Xuất hiện rạn nứt trong ‘mặt trận phía Tây’ về cuộc chiến ở Ukraine

Thứ năm, 02/06/2022, 07:11 AM

Xuất hiện chia rẽ ngày một lớn giữa các đồng minh phương Tây liên quan đến việc viện trợ thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

 Binh sỹ Mỹ và Ba Lan trong một cuộc diễn tập quân sự của NATO ở Orzysz, Ba Lan. Ảnh: Reuters

 Binh sỹ Mỹ và Ba Lan trong một cuộc diễn tập quân sự của NATO ở Orzysz, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Rạn nứt đã xuất hiện trên mặt trận phía Tây chống Moskva, với việc các đồng minh minh châu Âu của Mỹ ngày một chia rẽ về việc có tiếp tục viện trợ thêm vũ khí hỏa lực mạnh cho Ukraine hay không. Một số thành viên lo ngại bước đi này có thể sẽ khiến xung đột kéo dài, làm tăng hệ quả kinh tế tiêu cực mà Liên minh châu Âu (EU) phải gánh chịu.

Tâm điểm bất đồng là giữa hai nhóm – nhóm các cường quốc Tây Âu và nhóm do Mỹ, Anh đứng đầu, có sự góp mặt của nhiều nước trung và bắc Âu, liên quan đến nguy cơ dài hạn đến từ Nga cũng như khả năng, tương quan sức mạnh của Ukraine trước Nga trên chiến trường.

Nhóm đầu tiên do Pháp và Đức dẫn đầu. Số này có thiên hướng không muốn cung cấp bổ sung cho Ukraine các loại vũ khí tấn công, tầm xa giúp quân đội Kiev có thể chiếm lại các khu vực bị Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine chiếm giữ, kiểm soát. Khối này cũng đánh giá thấp nguy cơ Nga đe dọa trực tiếp tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhóm còn lại xem chiến dịch tấn công quân sự của Nga là bước đầu tiên cho ý đồ bành trướng của Mosvka và vì thế Ukraine nổi lên là tiền tuyến trong cuộc chiến rộng hơn giữa Nga với phương Tây.

Theo nhiều quan chức châu Âu, rạn nứt giữa hai phe bắt tích tụ trong vài tuần qua và trở nên công khai hơn trong tuần này, khi lãnh đạo EU tiến hành kỳ hội nghị bất thường từ 30-31/5 tại Brussels (Bỉ), với chương trình nghị sự chính trung tâm là cuộc chiến Ukraine. Nó xuất hiện trong bối cảnh Kiev thất thế trên chiến trường Donbass.

Nhìn nhận tổng quát, các nước EU đã đạt được đồng thuận về giải pháp cô lập kinh tế Nga, ở cấp độ mà nhiều người trước đây từng nghĩ là không thể. Nổi bật trong số này là lệnh cấm vận dầu mỏ một phần, chặn khoảng 2/3 sản lượng dầu xuất khẩu của Nga sang châu Âu vào cuối năm nay. Nhưng nội bộ phương Tây lại có sự phân chia rõ nét về tác động của cuộc chiến và cơ hội giành chiến thắng với Ukraine.

Tuyên bố công khai của lãnh đạo Pháp, Đức và bình luận của giới chức hai nước này cho thấy họ nghi ngờ khả năng Kiev đủ sức đánh bại, đẩy lui quân Nga. Họ kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn thông qua đàm phán và điều này ngay lập tức bị Ukraine phản đối, cho rằng cách làm đó đẩy Kiev tới chỗ phải nhượng bộ lãnh thổ.

Lãnh đạo Ba Lan, các nước vùng Baltic và một số nơi lại ủng hộ luận điểm cần cung cấp cho Ukraine vũ khí tinh vi hạng nặng nhiều hơn. Vũ khí này là nhân tố thiết yếu, không chỉ giúp Ukraine giữ vững trận địa, giới tiến, mà còn bẻ cong bước tiến của quân Nga, tạo cho Moskva tổn thất lớn, đạt tới cấp độ buộc Tổng thống Putin không mạo hiểm leo thang hành động quân sự trong tương lai.

Một số quốc gia phương Tây hiện mất dần hứng thú về duy trì một cuộc chiến mà họ cho rằng Ukraine không thể giành phần thắng, một cuộc chiến tiêu hao lớn, làm suy giảm nguồn lực của châu Âu, trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế. Ở chiều ngược lại, Ba Lan và ba nước vùng Baltic – số từng có những rắc rối lịch sử với Nga, lo ngại họ sẽ là mục tiêu tiếp theo trong bước can dự của Nga.

Theo một quan chức cấp cao của Cộng hòa Séc, trong mọi cuộc gọi, điện đàm, Bộ trưởng các nước Bắc Âu và trung Âu  đều bày tỏ thái độ giận dữ ngày một lớn. Chính điều này đang phá hủy đoàn kết trong nội bộ châu Âu và đó chính là những gì mà nước Nga mong đợi, bởi nó có lợi cho Moskva.

Không như lãnh đạo Anh, Ba Lan, các nước Baltic, lãnh đạo Pháp và Đức chưa một lần tới thăm Kiev kể từ khi nổ ra xung đột. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng cảnh báo chiến sự ở Ukraine có thể phát triển thành Chiến tranh thế giới thứ ba, với nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Đến thời điểm này, Đức cũng chưa hề chuyển giao xe tăng cho Ukraine, chỉ đồng ý viện trợ 7 khẩu pháo hạng nặng. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới viện trợ quân sự cho Ukraine ở mức 200 triệu euro, thấp hơn Estonia, một quốc gia chỉ có hơn 1 triệu dân. Về phần mình, Pháp cũng mới chuyển cho Ukraine 12 lựu pháp, không có xe tăng hay bất kỳ vũ khí khí phòng không nào.

Riêng Ba Lan đã chuyển giao 240 xe tăng T72 từ thời Liên Xô cho Ukraine, kèm theo đó là máy bay không người lái, hỏa tiễn phóng loạt, hàng chục xe chiến đấu bộ binh, nhiều đạn dược. Séc viện trợ cho Ukraine trực thăng vũ trang, xe tăng, phụ tùng thay thế đối với máy bay chiến đấu.

Giới chức Pháp và Đức phủ nhận cáo buộc cho rằng Paris và Berlin hành động không đủ mạnh, có ý đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi tới chỗ nhượng bộ Nga. Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Scholz nhiều lần lặp lại quan điểm chính Kiev là bên quyết định hình thái các điều khoản liên quan đến thỏa thuận hòa bình.