18 người chết và mất tích sau bão số 3

Thứ hai, 05/08/2019, 08:55 AM

Theo thống kê tính đến 18h ngày 4/8, đã có tới 18 người chết và mất tích, trong đó Thanh Hóa là địa phương có nhiều thiệt hại nhất về nhân mạng.

ha-noi-mua-lon-quang-ninh-hai-phong-ngap-sau-khap-noi-cay-do-khi-bao-so-3-di-qua
Nước dồn về trên sông Ka Long đoạn qua TP Móng Cái ngày 3/8.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến 18h00 ngày 4/8, bão số 3 và mưa lũ sau bão làm 18 người chết và mất tích (5 người chết: Thanh Hóa 3 người, Bắc Kạn 1 người, Điện Biên 1 người; 13 người mất tích bao gồm, Thanh Hóa: 12 người, Điện Biên: 1 người).

Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 47 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Thanh Hóa: 32 nhà, Lạng Sơn: 15 nhà); 50 nhà bị thiệt hại rất nặng; 187 nhà bị thiệt hại một phần. Đến thời điểm hiện tại, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã không còn bị cô lập do nước lũ tuy nhiên 3 xã thuộc huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là: Mường Lý, Nhi Sơn, Phù Nhi và hai bản (bản Óm, bản Pọong) xã Tam Trung, huyện Mường Lát vẫn bị nước lũ cô lập.  

Bộ tư lệnh Quân khu 4 cử một đoàn công tác do Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó tham mưu trưởng quân khu chỉ huy, xuống địa bàn huyện Quan Sơn và Mường Lát (Thanh Hóa) kiểm tra, đánh giá tình hình, triển khai các biện pháp cứu trợ cho nhân dân tại 7 bản bị cô lập, chia cắt  do mưa lũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN - ông Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương, lực lượng vũ trang (LLVT) phải cố gắng tiếp cận được các bản bị cô lập trong thời gian sớm nhất. Khi tiếp cận được các bản này phải bảo đảm ngay công tác cứu trợ, không để xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực đối với người dân; đồng thời tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích.

Đã có tới 1.811 cán bộ, chiến sĩ LLVT được huy động tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai cùng hàng trăm người thuộc các lực lượng khác.

18-nguoi-chet-va-mat-tich-sau-mua-lu-va-bao-so-3
Lực lượng chức năng và người dân địa phương trắng đêm gia cố đê biển Tây. Chủ tịch UBND Cà Mau - ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, tuyến đê biển Tây vừa được cải tạo, cao trình trên 3 mét, việc sóng biển dâng cao và vượt qua mặt đê như thế này là điều bất ngờ và chưa từng xảy ra tại Cà Mau. 

Tại Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang thiên tai đã làm sạt lở 4.950m2 đê biển, 445 căn nhà, ki-ốt bị sập, tốc mái, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được huy động để khắc phục hậu quả.

Cũng trong ngày 4/8, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 tham gia cùng các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích và giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Ban CHQS huyện Vĩnh Lộc cử 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân vùng bị ngập lũ. LLVT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mư­­­a, lũ trên địa bàn để kịp thời ứng phó đồng thời phối hợp với các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích và giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Cục Y tế dự phòng cho biết, ngành Y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Tuy nhiên, người dân cần chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. Ngành y tế các địa phương hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất.

 

Gần 1.000 người tiếp cận bản có 12 người mất tích

Ngày 4/8, công an, quân đội băng rừng, dùng xuồng máy vượt sông Luồng tiếp cận bản Sa Ná (Quan Sơn, Thanh Hóa), nơi 12 người mất tích do lũ.

 

Trưởng Công an xã bị núi lở đè tử vong trên đường giúp dân chạy lũ trở về nhà

Trên đường giúp dân chạy lũ trở về nhà, trưởng Công an xã ở Thanh Hóa không may bị núi lở đè tử vong.

 

Hà Nội: Sau bão số 3, người dân mang vó ra sông Kim Ngưu bắt cá

Từ ngày hôm qua (3/8), tại Hà Nội và 1 số tỉnh lân cận xảy ra mưa lớn khiến nhiều tuyến đường và ao hồ ven thành phố bị ngập nghiêm trọng. Nước tại các ao hồ tràn ra các con sông kéo theo cá cũng từ các ao hồ theo dòng nước ra ngoài. Nắm bắt được việc các ao, hồ bị ngập nhiều người đã mang các dụng cụ bắt cá như vó, vợt, cần câu... ra khu vực sông Kim Ngưu, đoạn gần nút giao Thanh Trì (Hà Nội) để bắt cá.