6 đặc điểm của một người nhân hậu, phúc đức

Thứ sáu, 26/07/2019, 10:49 AM

Nhân hậu như dòng chảy ngầm dưới đáy sông sâu, có sức mạnh vô cùng lớn nhưng lại không hề gợn sóng trên bề mặt. Đây là 6 biểu hiện dễ nhận biết của một người phúc hậu.

6-dac-diem-cua-mot-nguoi-nhan-hau-phuc-duc
Ảnh minh họa

Người nhân hậu có thể lèo lái bản thân, vẫy vùng bốn bể. Người nhân hậu như biển rộng có thể dung nạp trăm sông, dùng đức lớn mà thu phục lòng người. Ai cũng muốn được kết giao với người nhân hậu. Bởi lẽ họ có thể mang lại cảm giác an tâm, tin tưởng.

Nhân hậu chính là cái tâm thường ngày trong đối nhân xử thế, cũng là niềm tin và sức mạnh cơ bản của chúng ta. Trong thế giới hỗn loạn, rối ren này quả là có muôn vạn kiểu người, mỗi người một tính.

Tuy nhiên, một người có nhân hậu hay không thì lại biểu hiện rất rõ ràng ở 6 đặc điểm sau:

Không chiếm lợi ích của người khác

Bảo Thúc Nha và Quản Trọng, người nước Tề, thời Xuân Thu, là đôi bạn tốt luôn cùng nhau buôn bán. Bảo Thúc Nha có tiền thì lấy phần nhiều đưa cho bạn, vì nghĩ gia cảnh bạn nghèo túng, còn mình thì nhận phần thiệt hơn. Hai người cùng nhau buôn bán và mỗi lần chia lãi thì bên nhiều bên ít như thế.

Những thủ hạ của Bảo Thúc Nha thấy vậy thì rất khó chịu nói Quản Trọng là kẻ không ra gì. Bảo Thúc Nha nói: “Các ngươi lầm rồi, ông ấy đâu có tham lam chút tiền mà làm gì. Chẳng qua gia cảnh ông ấy quá khó khăn phải dựa vào chút tiền đó mà sống cho qua ngày nên ta tự nguyện nhường cho ông ấy phần lãi hơn. Hơn nữa, ông ấy buôn bán có đạo đức, kiếm tiền chính đáng. Trong công việc buôn bán ông ấy cũng đóng góp không ít sáng kiến hay. Bạn bè phải giúp đỡ lẫn nhau, huống hồ ta so với ông ấy giàu có hơn, bạn gặp khó khăn lẽ nào lại không giúp đỡ.” Những lời này truyền đến tai Quản Trọng, Quản Trọng vô cùng cảm động.

Người nhân hậu không chiếm lợi ích của người khác. Cho dù là ở trong hoàn cảnh nào thì họ cũng đều sống rất minh bạch, cởi mở và thoải mái.

Người nhân hậu luôn hành xử chính trực

Trước một sự việc, người thông minh có thể dùng tiêu chuẩn đúng sai chính xác mà đo lường. Người nhân hậu cũng ắt sẽ là người chính trực. Họ có một hệ thống giá trị quan chính xác và vững bền. Đứng trước việc lớn, việc nhỏ, họ đều có thể phán đoán, hành động hợp với tình người và chiểu theo đạo lý của đất trời.

Người chính trực không lấy lợi ích làm tiêu chuẩn để phán đoán khi có sự tình phát sinh. Trước hết, họ nhìn sâu vào nội tâm mình mà suy ngẫm, cân nhắc xem điều gì có thể bao dung, nhẫn nhịn, điều gì không thể bỏ qua hay tha thứ. Trong tim họ có một giới hạn, trong tâm họ có một hàng rào phòng vệ.

Hễ vượt quá giới hạn này họ sẽ lập tức cảnh giác và hành động để bảo vệ quan niệm đúng sai của mình. Ví như khi gặp chuyện bất bình giữa đường, chứng kiến những cảnh ức hiếp người già, trẻ nhỏ, họ có thể kịp thời khống chế, ra tay. Khi nhìn thấy người đi đường gặp nạn, họ cũng có thể nghĩ cách giải vây cho người ấy. Tất thảy điều đó đều là biểu hiện của một người nhân hậu.

Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên quê ở Đông Thành, tuấn tú khôi ngô, tài kiêm văn võ, nghe triều đình mở khoa thi chọn người tài, bèn từ giã thầy xuống núi ứng thí.

Trên đường, chàng gặp toán cướp Phong Lai hành ác, đang hại người vô tội. Chàng bèn thi triển võ nghệ, ra tay nghĩa hiệp một phen, đánh tan giặc cướp, cứu được cô nương Kiều Nguyệt Nga khỏi móng vuốt lũ ưng khuyển. Nguyệt Nga vốn không phải người thân thích của Vân Tiên nhưng chàng vẫn dốc lòng nghĩa hiệp, hành xử theo nguyên tắc “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha“.

Đó chính là biểu hiện của một người trung hậu, chính trực, lương thiện vậy. Người chính trực cũng dễ được người khác tín nhiệm. Hành vi của họ đều là đường đường chính chính, không chút giấu giếm, khuất tất, ai nhìn vào cũng có thể đoán biết dễ dàng. Trong lòng vô ưu vô lo thì trời đất thênh thang, rộng mở.

Chính trực là biểu hiện của người quân tử. Nếu bản thân mình không chính thì sao có thể quy chính người khác được đây?

Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Khi Khổng Tử tham dự tang lễ nhà người khác, ông đứng cạnh người nhà họ mà trong lòng cũng cảm thấy đồng cảm như thể họ là người thân của mình. Bản thân Khổng Tử cũng thương tiếc thay cho họ, ngay cả ăn cơm cũng không thấy thoải mái. Một người thời thời khắc khắc có thể đồng cảm với người khác thì cũng là một người nhân hậu.

Trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” có ghi chép một câu chuyện, kể rằng: Cụ và ông nội của Dương Vinh thời nhà Minh từng làm nghề chèo thuyền mưu sinh.

Một năm, quê hương của họ bị nạn lụt lớn, nước tràn ngập địa phương. Cụ và ông nội của Dương Vinh mải chèo thuyền, chỉ “một lòng cứu người” mà không lấy tiền công. Có người trong vùng biết chuyện cười chê hai cha con ông là những ngời ngu dốt không biết tận dụng cơ hội kiếm tiền.

Đây là một loại nhân hậu, gặp người nguy hiểm tính mạng thì ra tay cứu giúp, không so đo tính toán thiệt hơn. Thậm chí sau khi cứu những người còn sống lên bờ, hai người họ còn vớt cả những người đã chết nổi trên sông. Đó là vì họ đã đồng cảm với nỗi bi thương và nỗi ân hận của những người còn sống nếu không tìm được thi thể của người thân.

Người nhân hậu biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, biết suy nghĩ cho người khác. Chỉ cần việc bản thân có thể làm cho người khác, họ sẽ dốc sức mình để làm. Cho nên, từ xưa đến nay khi kết giao với những người nhân hậu thì người ta không phải đề phòng, lo lắng bất kể điều gì.

Nhớ ơn và báo ơn người khác

Tăng Tử viết: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”, ý nói rằng cẩn thận đối với việc tang của cha mẹ, truy niệm tổ tiên, lâu dần tự nhiên có thể khiến cho lão bách tính trung hậu thật thà.

Một người muốn nuôi dưỡng lòng nhân hậu của bản thân mình thì phải luôn nhớ ơn những người đã từng chăm sóc, giúp đỡ mình. Không chỉ thường ghi nhớ ân nghĩa của họ trong lòng mà phải thường xuyên thăm hỏi những người đã từng dạy dỗ mình, báo ơn những người đã từng chăm sóc mình.

Cổ nhân có câu: “Hậu kỷ giả, tất bạc tha nhân”, ý nói người hậu đãi bản thân mình thì ắt sẽ bạc đãi người khác. Người chỉ biết mình thì tất sẽ khó có thể đối đãi với người khác một cách ôn nhu, nhân hậu. Bởi vậy, người có lòng nhân hậu luôn biết ơn và tìm cách báo đáp ơn người khác, dùng tấm thâm tình để đối đãi với người khác.

Người nhân hậu luôn tồn giữ thiện niệm trong tâm

Nhân hậu thuộc về phạm trù đạo đức. Trong cuốn “Tư Trị Thông Giám”, nhà sử học Tư Mã Quang từng nói: “Người quân tử dùng tài để hành thiện, kẻ tiểu nhân dùng tài để hành ác. Người dùng tài hành thiện thì không thiện nào không đến. Kẻ dùng tài hành ác thì chẳng ác nào không qua”.

Một người lúc nào cũng chỉ nghĩ tới bản thân, không biết quan tâm đến người khác thì thâm tâm họ chắc chắn không đủ khoáng đạt, bao dung. Người được gọi là nhân hậu ắt phải biết lo cho người khác mọi lúc mọi nơi. Nghĩ cho người khác chính là hy vọng cuộc sống của họ được hạnh phúc, mỹ mãn, bớt khó khăn, khổ nạn.

Tâm biết giữ thiện niệm là cái gốc, không vì việc ác nhỏ mà làm, cũng không vì việc thiện nhỏ mà không làm. Dốc sức giúp đỡ người khác được gọi là cái thiện nhỏ. Sẵn sàng lao vào nước sôi lửa bỏng, vì nghĩa mà xả bỏ sinh mệnh thì được gọi là cái thiện lớn.

Đặt mình vào tình cảnh của người khác mà tha thứ, bao dung chỉ là một việc thiện nhỏ nhưng người nhân hậu lại luôn mang trong mình phẩm chất này. Họ rất nhiệt tình, chủ động hòa mình, tham gia những việc công ích. Họ chiếm được lòng tin của số đông, ai cũng vui vẻ ủy thác trách nhiệm cho họ.

Bao dung và tha thứ cho người khác

Một người khi ở địa vị rất cao thường khó bao dung được người khác. Một khi nghe thấy lời phê bình của người khác họ sẽ lập tức đối đầu với người đó. Thậm chí, họ còn kết bè kết phái, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới cả một đoàn thể. Bởi vậy, khi ở một địa vị càng cao, thì càng cần phải có một tâm thái cao. Mỗi một lời nói, một hành vi đều cần làm cho không khí của cả đoàn thể ấy càng tốt hơn.

Cổ nhân giảng: “Thân tại công môn hảo tu hành”, ý nói, thân ở nơi quan trường càng dễ tu hành. Người có địa vị càng cao lại càng dễ tu hành, bởi vì tầm ảnh hưởng của họ là rất lớn. Tuy nhiên xét từ một góc độ khác, nơi quan trường thường dễ tạo nghiệp. Người có thái độ không tốt, không nhân hậu, mang theo nhiều tật xấu, phong thái không đẹp dễ ảnh hưởng tiêu cực càng lớn hơn.

Cho nên, để trở thành một người nhân hậu, cần giảm nhẹ một phần trách cứ, nhiều thêm một phần khoan dung.

 

8 dấu hiệu chứng tỏ tình yêu của bạn đã đến lúc 'kết thúc rồi'

Nếu tình yêu của bạn có những dấu hiệu này thì hãy chuẩn bị tinh thần nhé.

 

Người khôn ngoan thực sự không bao giờ nói những điều này

Người khôn ngoan thực sự sẽ không bao giờ nói những điều dưới đây.

 

5 câu nói, chỉ đọc trong 5 phút, nhưng lại phải suy nghĩ cả đời

Trao gửi chân tình, mới có được chân tình, nhưng cũng có thể bị tổn thương rất lớn. Giữ khoảng cách mới có thể bảo vệ chính mình, nhưng cũng sẽ vĩnh viễn cô đơn…