Ác cảm hàng trăm năm của dân Philippines với mối nguy người Trung Quốc

Thứ hai, 23/09/2019, 10:06 AM

Sự hợp tác với chính phủ Trung Quốc không đồng nghĩa với việc chính quyền Philippines dung túng cho các hành vi bất hợp pháp của công dân từ đất nước tỷ dân.

Ác cảm hàng trăm năm của dân Philippines với mối nguy người Trung Quốc

Tiến sĩ Jan Robert R Go hiện là giáo sư ngành Khoa học Chính trị, giảng dạy bộ môn Tư tưởng Chính trị Philippines và Châu Á tại Đại học Philippines Diliman. Ngoài ra, ông còn thực hiện một số nghiên cứu về cộng đồng người Hoa tại Philippines. 

Lao động bất hợp pháp. Mua nhà. Đánh bạc. Gây hấn với người dân bản địa. Kinh doanh những dịch vụ chỉ phục vụ riêng người Trung Quốc.

Bất kỳ một trong những yếu tố trên cũng có thể là nguồn cơn của những dè chừng hay thậm chí là ác cảm dành cho người Trung Quốc ở hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Và tại Philippines, sự thiếu thiện cảm của người dân nước này đối với người Trung Quốc xuất phát từ tất cả những nguyên nhân đó.

Tình hình đủ nghiêm trọng để buộc một số quan chức và chính trị gia Philippines - bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia - phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đối với số lượng dày đặc các công dân Trung Quốc có mặt tại nước này.

Chi tiền khủng mua nhà chỉ để đánh bạc

Trong một vài năm gần đây, số lượng công nhân Trung Quốc làm việc tại Philippines trở thành đối tượng nhận được nhiều chú ý từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách, quan sát viên và cả những người ủng hộ chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Phần lớn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang đi vào triển khai của chính phủ Philippines nhận được số vốn tài trợ thông qua các khoản vay và thỏa thuận giữa nước này và Trung Quốc.

Ban đầu, việc cải thiện cơ sở hạ tầng được coi là nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại Philippines khi mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp.

Song, khi tiếp nhận các dự án được rót vốn bởi chính phủ Trung Quốc, vô hình trung, Philippines dần trở thành nơi thu hút lực lượng lao động - cả hợp pháp và bất hợp pháp - từ đất nước tỷ dân tìm đến.

Sự hiện diện ngày càng đông đảo của cả lao động lẫn những con bạc khát nước đến từ Trung Quốc khiến nhiều người dân Philippines không khỏi “nhăn trán”, “lắc đầu” nghi ngại.

Ngoài ra, do cờ bạc bị cấm ở Trung Quốc, các con bạc buộc phải tìm đến các sòng bạc nước ngoài. Và thủ đô Manila đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ mê trò đỏ đen.

Hoạt động cờ bạc tại thủ đô Manila diễn ra sôi động đến nỗi ngày càng nhiều công dân Trung Quốc tìm sang, sẵn sàng chi tiền khủng để mua nhà riêng, chung cư tại ngay thành phố để tiện đánh bạc.

Tình trạng này gây ra ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến giá thành nhà đất tại Manila, vì nhiều người tìm cách kiếm thêm lợi nhuận khi bán nhà cho người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Hơn nữa, vấn đề quản lý nhà cửa và cơ sở vật chất cũng cần phải xem xét lại.

Nhìn chung, sự hiện diện ngày càng đông đảo của cả lao động lẫn những con bạc khát nước đến từ Trung Quốc khiến nhiều người dân Philippines không khỏi “nhăn trán”, “lắc đầu” nghi ngại.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy suy nghĩ của người dân nước này dành cho người Trung Quốc không mấy tốt đẹp, thiếu thiện cảm hơn so với thái độ dành cho công dân các nước khác, nhất là người phương Tây.

Mặt khác, cảnh sát nước này từng ghi nhận nhiều trường hợp công dân Trung Quốc gây náo loạn, mâu thuẫn với người dân bản địa. Thị trưởng thành phố Manila từng có trải nghiệm không mấy tốt đẹp với hai người đàn ông Trung Quốc vô tư hút thuốc trong khu vực cấm khói thuốc lá.

Tuy nhiên, bất chấp hành động vi phạm quy định rõ ràng, biện pháp xử phạt của chính quyền địa phương - ngoài việc trao đổi với chủ sở hữu quán bar (nơi diễn ra chuyện hút thuốc bất hợp pháp) - vẫn là dấu hỏi bỏ ngỏ.

Ngoài ra, các khu vực kinh doanh đồ ăn “chỉ phục vụ riêng người Trung Quốc, người Philippines không phận sự miễn vào” bắt đầu xuất hiện nhiều. Thực trạng này từng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Philippines.

Không chỉ phục vụ một mình đối tượng khách Trung Quốc, các cơ sở này còn bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp. Chỉ đến khi đó, Bộ trưởng Thương mại nước này mới ra quyết định đình chỉ hoạt động.

Trên thực tế, một số cơ sở hoàn toàn thuộc sở hữu của người Philippines, với mục đích ra đời để cung cấp dịch vụ cho công dân Trung Quốc. Mặc dù cuộc điều tra chưa đi đến kết thúc, sự mập mờ của các cơ sở này vẫn cần các nhà chức trách làm rõ hơn nữa.

Các khu vực kinh doanh đồ ăn “chỉ phục vụ riêng người Trung Quốc, người Philippines không phận sự miễn vào” bắt đầu xuất hiện nhiều, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Philippines.

Những tình huống như đã đề cập ở trên làm trầm trọng thêm ý nghĩ tiêu cực của người Philippines về người Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Philippines đánh dấu sự thay đổi khi trọng tâm chính sách xoay chuyển từ các quốc gia phương Tây như Mỹ sang các nước láng giềng trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Duterte cũng không thể hiện thái độ quyết đoán trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Chính động thái này khiến người dân Philippines càng phẫn nộ hơn với tất cả những gì có gán thêm hai từ “Trung Quốc”.

Tất cả các yếu tố trên tác động đến “nhãn quan” của người Philippines về Trung Quốc và công dân nước này.

Nỗi ác cảm hàng trăm năm

Sự hiện diện của người Trung Quốc trên đất nước Philippines và tình bang giao giữa người dân hai nước đã có một chiều dài lịch sử nhất định, khởi nguồn từ khi người Tây Ban Nha xâm lược Philippines vào thế kỷ 16.

Song, trong quá khứ, mối quan hệ này thường xuyên trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”.

Ác cảm dành cho người lao động Trung Quốc có thể xuất phát từ thực tế rằng những người di cư từ Trung Quốc đã sớm xuất hiện ở hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và cạnh tranh việc làm với người dân bản địa.

Các công nhân Trung Quốc thường được đánh giá là chăm chỉ và siêng năng hơn công nhân địa phương. Hơn nữa, người Trung Quốc cũng được nhìn nhận là những con buôn giỏi, có thể kinh doanh ở bất cứ đâu. Ở Philippines, số lượng người Trung Quốc “bắt tay” với các công ty xây dựng và kinh doanh phần cứng không hề nhỏ.

Trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Marcos, nhiều trường hợp công dân Trung Quốc bị bắt ở Philippines vì tội mang ma túy vào nước này và dẫn đến kết cục tử hình công khai bằng hình thức xử bắn.

Điều này vô tình tạo ra một ý thức chung trong cộng đồng nước này rằng người Trung Quốc thường dính líu đến các hoạt động mua bán chất cấm phi pháp.

Thực tế cũng chứng kiến không ít những kẻ buôn thuốc, trùm ma túy mang quốc tịch Trung Quốc chịu án đằng sau song sắt nhà tù tại Philippines. Câu chuyện này càng được để ý hơn trong bối cảnh Tổng thống Duterte đang đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy hơn bao giờ hết.

Hợp tác với chính phủ không có nghĩa dung túng cho công dân

Sự hợp tác với chính phủ Trung Quốc không đồng nghĩa với dung túng cho các hành vi bất hợp pháp của công dân nước họ.

Không đặt lên bàn cân về phẩm chất hay tính cách con người, những gì công nhân Trung Quốc làm việc tại Philippines trải qua cũng giống như công nhân Philippines làm việc tại các quốc gia khác, bao gồm cả lao động hợp pháp và bất hợp pháp.

Các lao động được cấp phép ít nhiều dễ dàng hơn vì đã vượt qua những yêu cầu pháp lý để làm việc tại quốc gia sở tại. Thế nhưng, với những lao động “chui”, câu chuyện hoàn toàn ở thái cực khác.

Dù ai cũng hiểu họ là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp, buộc phải xa người thân và bỏ đi xa xứ vì lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này không có nghĩa luật pháp của nước sở tại được phép du di hay có ngoại lệ.

Còn nhiệm vụ của chính phủ Philippines là thực hiện từng bước giải quyết hiểu lầm và không cho phép tình trạng mâu thuẫn tiếp tục leo thang và lan rộng ngoài tầm kiểm soát.

Với tư cách là người nắm giữ chính sách nhập cư trong tay, chính quyền cần thực thi luật pháp nghiêm ngặt, bình đẳng và công bằng. Nếu phát hiện lao động Trung Quốc trái phép, cách tốt nhất để giải quyết là áp dụng các quy tắc nhập cư hiện hành.

Việc xóa bỏ hoàn toàn định kiến đối với người Trung Quốc không hề dễ dàng, nhất là khi nhiều hành vi không đẹp của họ vốn gây ra nhiều tai tiếng không chỉ ở Philippines mà còn nhiều nơi khác trên thế giới.

Dù sao, các nỗ lực để công chúng hiểu rõ tình hình, phân biệt phải trái, đúng sai luôn là khía cạnh cần được bàn tới và cải thiện.

Trong nước, một số nhà phê bình và chuyên gia cũng lên tiếng cáo buộc nhóm người lai hai dòng máu Philippines - Trung Quốc nhận được nhiều ưu ái hơn vì có gốc rễ Trung Quốc.

Việc xóa bỏ hoàn toàn định kiến đối với người Trung Quốc không hề dễ dàng, nhất là khi nhiều hành vi không đẹp của họ vốn gây ra nhiều tai tiếng không chỉ ở Philippines mà còn nhiều nơi khác trên thế giới.

Vấn đề nằm ở chỗ công chúng Philippines thường xuyên nhầm lẫn, xuyên tạc về quyền lợi của nhóm con lai và liên tục đặt câu hỏi về “lòng trung thành” của họ với đất nước.

Cái công chúng cần là phân biệt người Philippines gốc Hoa với người có quốc tịch Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc với người dân của đất nước họ.

Điều quan trọng cần tránh là sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nếu người Trung Quốc hoặc nhóm con lai không làm gì sai trái thì tâm lý kỳ thị, chủ nghĩa bài Hoa cực đoan chỉ làm tình hình thêm xấu.

 

Trung Quốc cản trở tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn ba tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Philippines khẳng định không từ bỏ phán quyết Biển Đông

Phủ Tổng thống Philippines cho biết Manila sẽ không từ bỏ phán quyết Biển Đông, khẳng định phán quyết là cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể kháng cáo.