AirAsia Nhật Bản xin phá sản vì Covid-19

Thứ tư, 18/11/2020, 13:58 PM

AirAsia Nhật Bản đã đệ đơn phá sản lên Tòa án quận Tokyo vào đầu ngày 17/11, sau khi ngừng mọi hoạt động vào tháng trước.

AirAsia Nhật Bản xin phá sản vì Covid-19

AirAsia Nhật Bản xin phá sản vì Covid-19

Bo Lingam, Chủ tịch các hãng hàng không tại AirAsia cho biết: “Việc các đối tác tại Nhật Bản và Ấn Độ rút vốn đầu tư khiến Tập đoàn AirAsia gặp nhiều khó khăn về tài chính”.

“Giảm chi phí và giảm đốt tiền mặt là những ưu tiên hàng đầu của hãng trong thời điểm hiện tại. Đóng cửa AirAsia Nhật Bản và xem xét lại khoản đầu tư vào AirAsia Ấn Độ để phục vụ cho việc giảm tải trên”.

AirAsia Nhật Bản đã đệ đơn phá sản lên Tòa án quận Tokyo vào đầu ngày 17/11, sau khi ngừng mọi hoạt động vào tháng trước. Chi nhánh tại Nhật đã nhận được lệnh quản lý tạm thời từ tòa án vào ngày 17/11.

Theo Bloomberg, tập đoàn cũng ngừng rót vốn cho AirAsia Ấn Độ vào tháng trước. Tương lai của công ty hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tập đoàn Tata Group, cổ đông nắm giữ 51%.

Tình trạng của chi nhánh AirAsia X cũng không khả quan hơn. Đầu tháng 11, công ty đã đệ trình một đề xuất tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ.

Ngày 30/6, AirAsia đã báo cáo khoản lỗ lớn nhất nhất từ trước đến nay trong quý thứ hai, khi Covid-19 làm chao đảo ngành hàng không.

Trước đó, AirAsia đã 4 lần thất bại khi cố gắng xâm nhập vào thị trường hàng không Việt Nam

Đầu tiên, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tuy nhiên, phần thắng lại thuộc về Tập đoàn Qantas của Australia.

Lần thứ hai, năm 2007, AirAsia góp 30% vốn liên doanh với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không, song Chính phủ Việt Nam không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần thứ ba, AirAsia muốn hợp tác với Vietjet Air để lập hãng hàng không nhưng do chưa chuẩn bị điều kiện để bay nên đã bị rút giấy phép vào cuối năm 2010.

Tháng 4/2019, AirAsia cho biết đã chấm dứt hợp tác với Thiên Minh Group trong việc liên doanh thành lập hãng hàng không tại Việt Nam, sau 2 năm kiên trì theo đuổi. 

 Về kế hoạch thâm nhập các thị trường mới ở Đông Nam Á, ông chủ hãng bay AirAsia cho hay ông thích thị trường Campuchia, Trung Quốc và Myanmar. Đặc biệt, Tony Fernandes đang tìm kiếm đối tác tại thị trường Campuchia.

Đó là bởi chính sách của nước này khá thông thoáng khi không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường hàng không địa phương. Tuy nhiên, các hãng mới phải có vốn đầu tư 30 triệu USD trong ba năm đầu tiên, khoản tiền đó chưa bao gồm máy bay.

Bài liên quan