19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được giao cho bộ, ngành quản lý

19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển về các bộ, ngành quản lý sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kết thúc hoạt động.

Tại hội nghị tổng kết năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chiều ngày 6/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban. Một số tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tổng doanh thu hợp nhất đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, tăng 120% so với kế hoạch đặt ra.

 Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động theo đề án tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%).

Tổng nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2018-2023 của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của cả nước.

Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2018-2023 của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 777 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, viễn thông…

Cùng với những kết quả đã đạt được nêu trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng tự chỉ ra 2 vấn đề hạn chế cần khắc phục.

Thứ nhất, chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động còn mang tính chất hành chính; chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra với Ủy ban là ngay sau khi thành lập thì tạo ra bước đột phá trong quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty.

Thứ hai, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với Ủy ban; doanh nghiệp với Ủy ban chưa thực sự rõ ràng, chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng mục tiêu và kỳ vọng khi thành lập Ủy ban là rất lớn; tuy nhiên, khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban hoàn toàn dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn, phương thức hoạt động vẫn là quản lý hành chính như các bộ trước đây, chưa bổ sung, điều chỉnh để có thể nâng cao năng lực, hiệu quả của mô hình mới.

Số lượng và chất lượng nhân sự giai đoạn đầu thành lập chưa tương xứng để đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ.

Biên chế và nhân sự tại 5 bộ ngành thực hiện chức năng quản lý doanh nghiệp không được chuyển về Ủy ban. Không có chức năng ban hành quy định pháp luật để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động không như kỳ vọng.

Hôm 5/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 đã ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Theo kế hoạch được ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty (hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 2/2025.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 131/2018/NĐ-CP, danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý bao gồm:

 (1) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

 (2) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

 (3) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

 (4) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;

 (5) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;

 (6) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;

 (7) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;

 (8) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;

 (9) Tổng công ty Viễn thông MobiFone;

 (10) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;

 (11) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

 (12) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;

 (13) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

 (14) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;

 (15) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;

 (16) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

 (17) Tổng công ty Lương thực miền Nam;

 (18) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;

 (19) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;

 Và các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bạn đang xem bài viết 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được giao cho bộ, ngành quản lý tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.