Bước ngoặt quan trọng lịch sử dân tộc
Ngày 10/10/1954, người dân Hà Nội chứng kiến một sự kiện lịch sử của đất nước. Các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô , chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên toàn miền Bắc. Hà Nội trở lại với vị thế là Thủ đô của một quốc gia độc lập.
Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Sau ngày hòa bình lập lại, Thủ đô Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh. Bên cạnh không khí hồ hởi, tưng bừng sau ngày giải phóng, Hà Nội gặp không ít khó khăn, thách thức do hậu quả của chế độ thực dân để lại. Nền công nghiệp nhỏ bé, manh mún không có gì đáng kể, cơ sở hạ tầng yếu kém. Những tệ nạn, tiêu cực của xã hội cũ rất nặng nề, hàng vạn người không có việc làm và không biết chữ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để đưa Thủ đô ngày càng phát triển.
Trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, năng động và sáng tạo. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cả Hà Nội sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước.
Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân Hà Nội đã đi đầu, xung kích trong công cuộc tiến hành đổi mới đất nước. Đảng bộ Hà Nội thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đề ra, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của Thủ đô và đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực. Với phương châm "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", Thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh, thành khác trong cả nước để thực hiện Hà Nội vừa là tấm gương, là mẫu hình vừa là điều kiện và là động lực cho sự phát triển.
Bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế sau 70 năm Giải phóng
Vượt qua mọi khó khăn, Hà Nội đã vươn mình tăng trưởng kinh tế, luôn nằm trong top đầu cả nước khi đạt mức tăng trưởng cao 6,27% năm 2023 (trong khi GDP cả nước 5,05%). Thu nhập người dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao, bình quân 150 triệu đồng/người/năm.
Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng (đạt 332.089 tỷ đồng), trong đó thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 381.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Qua đó để thấy rõ chặng đường 70 năm không chỉ ghi dấu ấn phát triển của Thủ đô Hà Nội mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những ngày này, mỗi người dân đều thấy thêm yêu và tự hào về Thủ đô anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Để kỷ niệm chặng đường 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Quốc hội - Chủ tịch nước - Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô .
Chương trình được tổ chức vào 20h10 ngày 10/10/2024 (thứ Năm) tại Khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, biểu tượng văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, địa điểm mang ý nghĩa lịch sử quan trọng với Lễ Chào cờ đầu tiên của Thủ đô Giải phóng được tổ chức vào 15h00 ngày 10/10/1954.