Ai có dịp gần Bác đều thấy toát lên sự gần gũi, chân tình, như một người bác, người anh, người bạn lớn. Ở đây là sự gần gũi từ vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn và từ những cử chỉ lời nói giản dị của một người dân bình thường, không phải lời dạy dỗ, phán xét của một “ông quan”. Chính điều này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói đến nhiều lần trong các hội nghị. Rằng có những cán bộ được dân bầu lên, nhưng lên rồi thì sống xa cách, quan dạng, mỗi lần đi cơ sở cứ như “ông vua con”.
Khi nói, khi viết, kể cả những luận văn quan trọng, Tổng Bí thư luôn dùng những từ mộc mạc, dễ nhớ, mang đậm chất dân gian, dân dã như tục ngữ, thành ngữ, ca dao vậy. Tôi nhớ có một bài báo dự thi Giải Búa liềm vàng của một tác giả ở Báo An ninh Hải Phòng, chị đã chọn đề tài: Chất dân gian trong những bài viết lý luận của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng.
Tư duy ấy, phong cách ấy là nhất quán. Cách đây khoảng 30 năm, khi còn làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chí thường nhắc cán bộ, phóng viên: Hãy viết giản dị, bớt kinh viện đi, viết lý nhưng phải có tình, viết luận là để bàn, đừng lên lớp ai, dạy dỗ ai. Và tác giả Nguyễn Phú Trọng chính là người đã viết những bài như thế, dù đó là những bài đại luận như “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”, cho đến những tiểu phẩm sắc sảo, giàu tính thực tiễn, tính chiến đấu.
Bác Trọng được nhân dân gọi là “Người đốt lò vĩ đại” khi phất cao ngọn cờ chống tham nhũng tiêu cực. Nhưng công việc quan trọng đến vậy, Bác cũng dùng những từ dễ hiểu: Chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”; “ Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”; “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”...
Quả thật dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, suốt mấy nhiệm kỳ qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, “lò lửa” chống tham nhũng, tiêu cực luôn rừng rực cháy. Chưa có bao giờ kể cả nhiều vị lãnh đạo cấp chiến lược cũng phải viết đơn tự nguyện xin thôi chức vì vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, thoái hóa biến chất, “tay trót nhúng chàm” đã bị kỷ luật, bị vào tù. Điều đó được toàn dân hoan nghênh, ghi nhận, tin tưởng ở Trung ương, tin tưởng ở “Cụ Tổng”. Đúng là “Cụ” đã nói là làm. “Cụ” và những cộng sự của mình đã tạo nên thứ giá trị niềm tin mạnh mẽ vào đạo đức công vụ, công lý và sự liêm chính của người dân.
Ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có sự thống nhất giữa ngôn ngữ và đạo lý với hành động liêm chính của bản thân, làm gương để cấp dưới làm theo. Làm gương về sự khiêm tốn, giản dị không phải là những lời to tát, không phải những việc cao siêu, mà ngay trong mọi công việc, trong đời sống hằng ngày. Bác Trọng về với dân, thăm thầy giáo cũ, họp lớp học sinh phổ thông, sinh viên đại học... luôn thống nhất một phong cách hòa mình với mọi người. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, khi về dự họp mặt lớp đại học cũ, bác Trọng nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, bạn học của bác Trọng thời ở khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể, một lần đi họp lớp, bác Trọng (khi ấy là Chủ tịch Quốc hội) đã “nhờ” bác Vũ Huyến chở bằng xe máy “cho tiện” - chiếc xe Suzuki GN125.
Nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể kể rất nhiều ấn tượng về đồng chí trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trên mặt trận văn hóa, ngoại giao... Cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế của đất nước ta có được hôm nay, có sự đóng góp rất quan trọng của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của đồng chí là kim chỉ nam thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương. Trong những năm qua không ít cán bộ thoái hóa biến chất đã “hạ cánh” mà không an toàn. Không ít khu vực, lĩnh vực công tác được cho là khó đụng đến nhưng “quân pháp bất vị thân”, Đảng ta đã kiên quyết xử lý nghiêm khắc, nhưng nhân văn.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiên trung, nhà lý luận xuất sắc, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng - đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, Đất nước ta, Nhân dân ta.
Trái tim người cộng sản mẫu mực đã ngừng đập lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chúng ta!
Xin nghiêng mình vĩnh biệt Bác Nguyễn Phú Trọng kính mến - nhà lãnh đạo của lòng dân!