Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng với mức độ thiệt hại khác nhau.
Gió lốc, ngập lụt, sạt lở đất... đã khiến nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi, cùng với đó nhiều công trình giao thông bị lún sụt, sạt lở, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy bị ngập, tốc mái, hư hại.
Theo ước tính, cơn bão này gây thiệt hại khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc.
Trong 3 khu vực kinh tế thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 3 nhưng do tỷ trọng ngành giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản của 26 tỉnh bị ảnh hưởng của bão chỉ chiếm khoảng trên 20% giá trị tăng thêm cả nước nên tác động tới tăng trưởng toàn ngành của cả nước không quá cao.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng do nhiều công trình thiết yếu, đường xá, cầu cống, hệ thống lưới điện, cấp nước cấp điện bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc trong những ngày mưa bão, ngập lụt làm ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp.
Tuy vậy, những thiệt hại về cơ sở hạ tầng chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ vì vậy mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp.
Cơn bão số 3 cũng khiến ngành dịch vụ cũng chịu tác động nhưng mức độ thiệt hại không cao do thời điểm cơn bão diễn ra không phải cao điểm mùa du lịch.
Ông Đậu Ngọc Hùng - Vụ trưởng vụ Thống kê Nông lâm thuỷ sản (Tổng cục Thống kê), trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản cả nước quý III năm 2024 chỉ đạt 2,58%, giảm 0,97 điểm % so với kịch bản và là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây (quý III/2021 tăng 2,52%; quý III/2022 tăng 4,67%; quý III/2023 tăng 4,30%).
Ước tính 9 tháng năm nay tăng 3,20%, thấp hơn 0,25 điểm % so với kịch bản.
Bão và mưa sau bão làm ngập úng, hư hại gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu, trong đó có 75 nghìn ha lúa mùa bị thiệt hại từ 70% trở lên (được tính là mất trắng); 44 nghìn con gia súc và khoảng 5,8 triệu con gia cầm bị chết; 36 nghìn ha, 11,1 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; khoảng 190 nghìn ha rừng bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng của bão số 3 đã tác động lớn đến kết quả sản xuất và tăng trưởng ngành nông nghiệp các tỉnh miền Bắc. Theo đó, Sơn La giảm 13,03% so cùng kỳ năm trước; Bắc Giang giảm 12,94%; Thái Nguyên giảm 10,81%; Quảng Ninh giảm 6,97%; Hải Phòng giảm 5,64%; Bắc Ninh giảm 4,78%; Lạng Sơn giảm 3,03%.
Tính chung 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa bị ảnh hưởng bão số 3, ngành nông lâm thủy sản quý III/2024 các tỉnh này giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (trong khi kịch bản dự kiến tăng 2,9% so cùng kỳ); 9 tháng năm 2024 chỉ tăng ở mức 1,9% (thấp hơn 1 điểm % so với kịch bản).
Đáng chú ý, kết quả trên mới chỉ tính vào kết quả sản xuất ngành nông lâm thủy sản sản lượng, sản phẩm cho thu hoạch trong kỳ bị thiệt hại, không bao gồm thiệt hại về nhà cửa, chuồng trại, lồng bè, tàu thuyền, cây trồng chưa đến đến kỳ thu hoạch.
Theo bà Phí Thị Hương Nga- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, mức độ ảnh hưởng không nặng nề như đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Bão ảnh hưởng chủ yếu tại các địa phương bão tràn qua như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và ảnh hưởng nhiều tới nhóm ngành khai thác than và quặng.
Tuy vậy, thời gian bão diễn ra không dài do đó việc gián đoạn sản xuất chủ yếu là để các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão.
Bà Hương Nga cho biết, tổng hợp kết quả khảo sát 30.587 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp quý III/2024 gặp khó khăn hơn quý II/2024 chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão. Các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp FDI.
Trong quý III năm 2024, với điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng ổn định, ngành nông lâm thủy sản không bị giảm mạnh đã giúp tăng trưởng kinh tế đạt tăng trưởng 7,4%, phù hợp với mức cận trên của kịch bản phấn đấu theo Nghị quyết của Chính phủ là 6,5-7%.
Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý III và 9 tháng năm nay, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%.
Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm nay khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.