Trong thông báo phát đi vào tối 4/9, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã phát cảnh báo đỏ đối với bão số 3 (Yagi), đồng thời nâng mức phản ứng khẩn cấp. Bão dự kiến sẽ mang theo gió mạnh và mưa lớn đến các khu vực phía nam Trung Quốc.
NMC dự báo, bão Yagi sẽ di chuyển về phía tây bắc với tốc độ khoảng 10 km/h, với cường độ tăng dần, dự kiến đổ bộ vào các khu vực ven biển từ huyện Quỳnh Hải ở Hải Nam đến Điện Bạch ở Quảng Đông vào chiều 6/9.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, quá trình thay thế mắt bão của bão số 3 vẫn đang diễn ra và dự kiến vào sáng ngày 5/9, siêu bão mới sẽ xuất hiện trên Biển Đông với cường độ cấp 16, giật trên cấp 17.
Theo JMA, khí áp siêu bão số 3 Yagi có thể giảm xuống tận mức 915 mbar, và với mức khí áp dự báo như trên, bão số 3 sẽ trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử tại Biển Đông, đồng thời có thể trở thành cơn bão mạnh nhất trên toàn thế giới cho đến nay trong năm 2024 (hiện kỷ lục cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 đang do bão Djoungou ở Nam Ấn Độ Dương nắm giữ).
Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, hồi 7 giờ ngày 05/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Tại cuộc họp, triển khai giải pháp ứng phó với bão số 3 ngày 4/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hầu hết các dự báo, các mô hình của quốc tế đều chung nhận định là bão sẽ tiếp tục tăng cường độ; không loại trừ khả năng bão mạnh lên cấp siêu bão. Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.
Đánh giá về cơn bão số 3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh. Trong trường hợp bão số 3 đi theo hướng như dự báo hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công nghiệp và nông nghiệp của các tỉnh phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Hiệp, điều lo ngại nhất khi bão đổ bộ đó là mưa lũ ở các tỉnh miền núi và ngập ủng ở đô thị. Trước nguy cơ ảnh hưởng rất lớn của bão số 3, ông Hiệp đề nghị các địa phương chủ động các phương án phòng, chống bão. Đồng thời tính toán thật kỹ việc điều tiết nước ở các hồ thủy điện, vừa cắt lũ cho hạ du, vừa tích nước để phát điện...
Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
“Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo.
Đặc biệt, Bộ trưởng Hoan yêu cầu các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tuỳ theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Đối với vùng đồng bằng, miền núi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.