Khu đô thị nơi tôi ở thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có khá nhiều căn nhà cho thuê. Thôi thì đủ thứ kinh doanh, phục vụ: dịch vụ chuyển phát nhanh, mát-sa thư giãn, bấm huyệt xoa bóp, cà-phê giải khát... Gần đây căn nhà đầu hồi một lô liền kề sáng nào cũng thấy người đến chen chúc trước cửa, toàn thanh niên trẻ.
Một buổi sớm tôi đi thể dục, gặp một cháu khoác ba-lô vải lõng thõng trên lưng: “Bác cho cháu hỏi nhà số 28, lô...”. Tôi bảo: “Cái nhà có mấy cậu đang đứng lố nhố trước cửa đó, mà cháu đi đâu?”. “Dạ, cháu ở Quảng Trị, mới đi tàu hỏa ra. Cháu học lớp 11, sang năm lên lớp 12, tranh thủ nghỉ hè ra ngoài ni kiếm việc làm bác ạ”. Rồi cháu mở máy điện thoại cho tôi xem lời mời trên mạng. Nội dung ghi: Giới thiệu việc làm phổ thông, không cần bằng cấp, không cần hồ sơ phỏng vấn, làm việc 8 giờ/ngày, lương 7 đến 8 triệu đồng.
Tôi giật mình. Cái nhà đấy không biết chủ là ai. Cũng không có biển giới thiệu công ty, hay trung tâm giới thiệu việc làm. Chả rõ nó mọc ra từ bao giờ. Không khéo trò lừa đảo chiêu thức cũ lại khiến nạn nhân mới sập “bẫy”. Cẩn thận, tôi hỏi ông Tổ trưởng dân phố chuyện này. Ông bảo, cũng chỉ nghe có người giới thiệu việc làm qua mạng. Nghe nói là toàn việc làm phổ thông, không yêu cầu chuyên môn, chỉ cần đóng một khoản tiền 300 nghìn đồng là có thể nhận việc. Thế cho nên họ chả có đăng ký gì với địa phương, và cũng không trưng biển công ty.
Lại nhớ câu chuyện vừa xảy ra ở tập đoàn Masan - một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của nước ta - cũng bị mạo danh để “tuyển dụng cộng tác viên”. Kẻ xấu đã dùng các tài khoản mạng xã hội với chức danh như giám đốc chi nhánh, trưởng phòng tài vụ của công ty, hướng dẫn ứng viên thực hiện nhiệm vụ rồi chiếm đoạt tiền của họ. Những người bị lừa đảo không còn là lao động phổ thông mà nhiều người đã tốt nghiệp đại học, bị giãn việc, mất việc, đang cần tìm công việc mới.
Đại diện của Masan cho biết, kẻ lừa đảo yêu cầu người đi tìm việc làm chuyển một khoản tiền gọi là“rót vốn” vào tài khoản cá nhân được chỉ định và được nhận một bản cam kết bảo hiểm đầu tư. Không chỉ có khoản tiền này, người tìm việc làm còn phải chi phí nhiều khoản “tiền ma” khác, như “phí xác minh”, “thuế thu nhập”, “mở khóa tài khoản”... Đáng tiếc, sau khi nhận được số tiền nói trên thì “nhà tuyển dụng” đã khóa tài khoản và các phương tiện liên lạc cũng bặt tăm hơi. Rất nhiều người bị lừa đảo bởi thủ đoạn này và mất toi số tiền lên tới cả chục triệu đồng.
Không chỉ có Masan bị lợi dụng danh nghĩa để kẻ xấu lừa đảo mà đã có nhiều doanh nghiệp thông báo với cơ quan chức năng, rằng họ đang bị mạo danh để lừa đảo. Nạn nhân phần lớn vẫn là những người đang cần có việc làm trước mắt và lâu dài. Khi đăng ký tuyển dụng, đối tượng lừa đảo thấy “cá đã cắn câu” thì thúc giục chuyển tiền. Nhận được tiền rồi thì hứa hẹn đủ điều, sau đó là đến điệp khúc chặn liên hệ. Khi người bị lừa tố cáo, cơ quan điều tra vào cuộc mới biết rõ đó là tài khoản mà đối tượng lừa đảo “mua” từ người khác. Chẳng hạn mới đây Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã mở phên tòa xét xử ba đối tượng nhận mở tài khoản ngân hàng để bán lại cho một người nước ngoài đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng thông tin tràn ngập, nhiễu loạn, những người có nhu cầu tìm việc làm cần hết sức cảnh giác, thận trọng khi giao dịch trực tuyến. Mặc dù đối tượng lừa đảo rất tinh vi như gửi thư mời phỏng vấn qua email, gửi bản mô tả công việc có đóng dấu đỏ rõ ràng, nhưng thật ra đó là công ty... ma, hoặc website giả, mạo danh đơn vị, tổ chức hay cá nhân tuyển dụng. Thực tế, không có công ty làm ăn đàng hoàng nào lại đi tuyển dụng tràn lan và thiếu chuyên nghiệp như vậy.
Trong thời đại số, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng trở nên tinh vi và có xu hướng gia tăng, không chỉ ở các đô thị lớn mà ngay cả các vùng quê hẻo lánh. Trước nhu cầu tìm việclàm, hoặc kiếm thêm thu nhập chính đáng của người lao động, đối tượng lừa đảo đã triệt để khai thác với nhiều chiêu thức, mánh khóe. Vì vậy, mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ đang cần tìm kiếm việc làm hãy chủ động bảo vệ mình, đừng để mất tiền oan.
Có một nguyên tắc rất đơn giản: Không nên tin bất kỳ ai trên không gian mạng. Khi nhận được lời chào mời tìm kiếm việc làm, bạn hãy cẩn trọng và tìm hiểu thật kỹ, sẽ nhận ra sự vô lý, mập mờ sau những lời mời ngon ngọt. Chợt nhớ câu phương ngôn Pháp: “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”.