Đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung
Theo văn bản số 8348/BCT-KHTC vừa được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.
Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường đôn đốc lực lượng thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Cục Điều tiết điện lực phải phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, quyết định thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo thẩm quyền theo đúng Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 151/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và làm tốt công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng lưu ý tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Ngoài ra, đối với Cục Phòng vệ thương mại phải chủ động, tích cực có các giải pháp ứng phó với các biện pháp, hàng rào kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng tại văn bản này, Bộ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa. Theo dõi sát diễn biến cung-cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Lượng xăng dầu nhập khẩu cuối năm vẫn tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng cuối năm 2022 tiếp tục tăng mạnh, trong đó, nhập khẩu tháng 11 là là 772.000 tấn, tăng mạnh 28,3% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 7,89 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá là 8,12 tỷ USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 119,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,27 triệu tấn, giảm 3% và chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,3 lần và chiếm 21%; lượng nhiên liệu bay nhập về đạt 1,33 triệu tấn, tăng 2,2 lần và chiếm 17% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 11 tháng/2022 chủ yếu từ Hàn Quốc là 2,88 triệu tấn, tăng 98,9%; Singapore là 1,32 triệu tấn, tăng 15,3% trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 1,3 triệu tấn, giảm 38,9%.
Dự báo thị trường xăng dầu năm 2023 vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, từ cuối tháng 11, Bộ Công Thương họp bàn cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lên kịch bản chuẩn bị nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cho năm sau.
Theo đó, Bộ đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, với mức tăng từ 10% và 15% so với năm 2022. Kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.