Bộ Công Thương vừa có báo cáo Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế xã hội và triển khai trong năm 2023, trong đó có một số lĩnh vực trong việc quản lý xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, Bộ đã hoàn thiện dự thảo về sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Một trong những điểm mới là các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại.
Việc mở cửa cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn cũng là quan điểm và kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong góp ý sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu.
VCCI cho rằng, chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1 - 1 (một doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối). “Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm các bên. Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa”, VCCI nêu ý kiến trong bản góp ý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng hướng tới loại bỏ khâu trung gian là các tổng đại lý trong hệ thống phân phối xăng dầu cũng như các quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc.
Cụ thể, quy định về dự trữ lưu thông vẫn giữ nguyên như hiện tại. Các đầu mối và đơn vị sản xuất xăng dầu phải dự trữ tối thiểu 20 ngày cung ứng và thương nhân phân phối là 5 ngày.
Tuy nhiên, dự thảo mới bổ sung quy định liên quan đến việc các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải mua bù đắp số lượng thiếu hụt trong 15 ngày từ thời điểm mức dự trữ giảm trong trường hợp phải đáp ứng nhu cầu thị trường tăng đột biến.