Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ ổn định về cơ bản phương thức tổ chức như năm 2021. Ngày 27/6, thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Thí sinh thực hiện thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, đề các môn khác dưới dạng trắc nghiệm.
Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ ba bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi hai bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.
Ngoài ra, các mốc thời gian chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:
Bộ GD&ĐT tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở GD&ĐT: Hoàn thành chậm nhất ngày 18/4.
Các sở GD&ĐT tổ chức tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 23/4.
Tổ chức cho thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi (ĐKDT) trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 26/4 đến hết ngày 30/4.
Tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 chính thức ĐKDT trực tuyến: Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.
Tổ chức cho thí sinh tự do ĐKDT trực tiếp; nhận Phiếu ĐKDTvà nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.
Tổ chức coi thi trong các ngày 28,29 và 30/6. Công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 18/7.