Bộ trưởng Công Thương: Doanh nghiệp xăng dầu đã 3 tháng phải nhập cao, bán thấp

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, trong khoảng 10 kỳ điều hành liên tiếp, tức khoảng 3 tháng, các doanh nghiệp cứ nhập vào thì giá cao, bán ra giá thấp hơn, khiến hiệu quả kinh doanh bị tác động.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

 

Chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung thế giới

Chia sẻ với báo chí tại buổi gặp gỡ chiều ngày 6/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại giai đoạn khó khăn khi tình hình cung ứng xăng dầu bị đứt gãy cục bộ vào tháng 10/2022. Bộ trưởng Diên thừa nhận, nếu không có vấn đề đáng tiếc liên quan tới xăng dầu cuối tháng 10, đầu tháng 11 ở một số địa phương thì thành quả của ngành Công Thương trong năm 2022 đã trọn vẹn hơn.

Bộ trưởng điểm lại bối cảnh chung của thế giới khi đó, từ nguồn cung năng lượng nói chung, đặc biệt là xăng dầu bị thu hẹp bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) cùng với Nga đều bị giảm, tới khoảng 2 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, Mỹ và châu Âu áp mức giá trần lên xăng dầu, khí đốt của Nga và OPEC+ nên đương nhiên sản lượng bán ra bị giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến bối cảnh khủng hoảng thiếu ở nhiều quốc gia. Mặt khác, mùa đông đến nên nguồn cầu xăng dầu, khí đốt vào khu vực châu Âu rất lớn.

"Một quãng ngắn, chúng ta bị tác động bởi yếu tố khách quan trên. Chưa kể, chiến tranh dẫn đến việc vận chuyển nhiên liệu giữa các khu vực gặp khó khăn nhất định. Trong nước, thiên tai, bão nghiêm trọng ảnh hưởng, khiến đứt gãy nguồn cung xăng dầu nội địa", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc cập nhật giá cơ sở, từ chi phí định mức đến chi phí thực tế phát sinh trong kinh doanh xăng dầu cũng không được các ngành chức năng thực hiện đầy đủ. Trong bối cảnh đấy, từ tháng 1-11/2022, Bộ Công Thương đã có tới 48 văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền, Bộ, ngành, các cơ quan chức năng, đề xuất phối hợp chặt chẽ với Bộ chủ quản, giải quyết hợp lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, một số ngành như Tài chính cũng có lý do riêng, bởi, theo quy định, điều chỉnh giá cơ sở thực hiện 6 tháng/lần, công thức điều chỉnh là lấy bình quân của 6 tháng trước để làm cơ sở cho 6 tháng sau, do đó, rất khó khăn khi giá nhiên liệu biến động hàng ngày, có ngày lên rất cao, rồi vài ngày lại xuống rất thấp.

”Trong khoảng 10 kỳ điều hành liên tiếp, mỗi kỳ 10 ngày, tức khoảng 3 tháng, các đơn vị cứ nhập vào thì giá cao, bán ra giá thấp hơn. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị tác động", Bộ trưởng cho hay.

Nguồn cung trong nước vẫn khó khăn

Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu trong nước, ngày 5/1, Bộ Công Thương cũng đã có thông báo kết luận cuộc họp về các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước liên quan đến sự cố kỹ thuật của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cuộc họp diễn ra ngày 4/1 sau khi NSRP thông báo về sự cố kỹ thuật của nhà máy này.

Sự cố ở lọc dầu Nghi Sơn gây thiếu hụt 120.000m3 xăng dầu, lo cấp bù trước Tết.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt tháp tái sinh của phân xưởng RFCC. Vì vậy, NSRP phải tiến hành ngừng tạm thời phân xưởng RFCC để khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành vào sau ngày 10/01/2023.

Phân xưởng chế biến dầu thô và các phân xưởng công nghệ khác được duy trì hoạt động ở công suất thấp hơn kế hoạch trong thời gian sửa chữa này. Do đó, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 01/2023 sẽ bị giảm một phần, khoảng 20% đến 25% so với kế hoạch.

Dự kiến tháng 01/2023 NSRP sản xuất và cung ứng ra thị trường 600.000m3 xăng dầu (trong đó 240.000m3 xăng RON92 và RON95).

Vụ Dầu khí và Than đã trao đổi với NSRP và theo báo cáo cập nhật, sự cố kỹ thuật sẽ được khắc phục xong trước ngày 15/1/2023. Theo tính toán, dự kiến lượng xăng dầu thiếu hụt do sự cố kỹ thuật của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 120.000m3. NSRP sẽ cấp bù sản lượng thiết hụt trước Tết Nguyên đán 2023.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giao Vụ Dầu khí và Than chủ trì, phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp tục làm việc với NSRP theo dõi sát tình hình khắc phục sự cố của nhà máy; xác định rõ thời gian dự kiến sẽ khắc phục sự xong kỹ thuật của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và số lượng xăng dầu dự kiến sẽ thiếu hụt do sự cố kỹ thuật gây ra. Các đơn vị cần báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về kết quả làm việc trước ngày 7/1/2023.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng giao Vụ Thị trường trong nước chủ trì, tiếp tục làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để nắm cụ thể tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu của các doanh nghiệp, phương án bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt do sự cố kỹ thuật của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gây ra (nếu có). Điều này nhằm bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tới đây. Vụ Thị trường trong nước phải báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về kết quả làm việc trước ngày 7/1/2023.

Bạn đang xem bài viết Bộ trưởng Công Thương: Doanh nghiệp xăng dầu đã 3 tháng phải nhập cao, bán thấp tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.