Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2023, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức do tác động của một loạt cú sốc bất thường. Các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã có những bước đột phá thần tốc trong năm 2023, đồng thời đặt ra các vấn đề hợp tác quốc tế, kể cả cạnh tranh địa chiến lược, giữa các nước trong việc xây dựng khung quản trị phù hợp.
Trong bối cảnh đó, theo TS Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình, có những điều chỉnh linh hoạt và chỉ đạo tương đối sát để tháo gỡ vấn đề ở một số lĩnh vực (tín dụng, bất động sản…). Công tác cải cách thể chế kinh tế có những chuyển biến quan trọng, đặc biệt đối với việc hoàn thiện khung chính sách cho kinh tế số, bước đầu hiện thực hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế địa phương… Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý tương đối hiệu quả tác động của các diễn biến trên thị trường thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát. Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023. Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). CPI bình quân tăng 2,89% trong quý III/2023 và 3,54% trong quý IV/2023. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2023 đạt 4,16%, cao hơn so với năm 2022 (2,59%) và cao hơn mức lạm phát chung.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất, tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm mạnh đã phản ánh khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước do chịu tác động mạnh từ nhiều tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh khó khăn đó, nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023 đã giúp duy trì tăng trưởng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ngang với mức tăng cùng kỳ 2022, qua đó tạo động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm, và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế của CIEM đã đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,02 tỷ USD và 5,19 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 34% và 3,72%.
Các ý kiến trao đổi tại hội thảo cũng nhấn mạnh, năm 2024 Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên chính sách thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, CIEM kiến nghị Chính phủ thực hiện 10 nhóm giải pháp chính, trong đó cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong thời gian tới. Bao gồm các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Trong đó, thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.