Không còn chung cư giá 2 tỷ đồng
Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) biến mất khỏi thị trường nhiều năm nay, khiến “cơn khát” nguồn cung nhà giá bình dân tại Thủ đô và TP.HCM trở nên nghiêm trọng.
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng căn hộ nhà ở mới được đưa ra thị trường chỉ bằng khoảng 40% so với cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Cả quý III/2022, không có dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép mới. Trong số trên 3.600 sản phẩm mở bán trong quý III/2022, căn hộ giá khoảng 2 tỷ đồng chỉ chiếm 12%. Căn hộ giá trên 4 tỷ đồng chiếm tới 85%. Tỷ lệ hấp thụ phân khúc bình dân luôn ở mức cao, trên 85%.
Một ví dụ cụ thể, chị H (Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị tích góp được khoảng 2 tỷ đồng, quyết định tìm mua chung cư quanh các quận Thanh Xuân, Đống Đa… Tuy nhiên, thông qua nhiều sàn môi giới bất động sản, chị H vẫn không tìm được căn hộ vừa tầm tiền cho gia đình 4 người của mình. Các dự án chung cư đang chào bán hiện nay đều có mức giá từ 45 triệu đồng/m2, thậm chí trên 80 triệu đồng/m2.
Chị H đã chuyển hướng tìm kiếm sang khu vực xa hơn, càng bất ngờ bởi mức giá của các dự án tại Gia Lâm, Long Biên nhiều tháng qua đều vượt ngưỡng 35 triệu đồng/m2 và không nhiều lựa chọn căn hộ phù hợp.
Đây cũng là bài toán nan giải của nhiều gia đình 3-4 thành viên tại Hà Nội hiện nay, khi sở hữu mức thu nhập trung bình nhưng cần có nhà ở diện tích phù hợp cho cả nhà sinh sống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng căn hộ nhà ở mới được đưa ra thị trường chỉ bằng khoảng 40% so với cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Cả quý III/2022, không có dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép mới. Trong số trên 3.600 sản phẩm mở bán trong quý III/2022, căn hộ giá khoảng 2 tỷ đồng chỉ chiếm 12%. Căn hộ giá trên 4 tỷ đồng chiếm tới 85%. Tỷ lệ hấp thụ phân khúc bình dân luôn ở mức cao, trên 85%, Bộ Xây dựng cho hay
Theo quy luật tất yếu của thị trường, cung ít - cầu nhiều thì giá bán sẽ phải tăng, dẫn đến kỷ lục tại Hà Nội khi 15 quý liên tiếp ghi nhận thực trạng tăng giá “phi mã” của phân khúc căn hộ chung cư.
Nhận định của nhiều chuyên gia cho biết, nguồn cung sản phẩm mới giá khoảng 2 tỷ đồng ở Hà Nội sẽ “tuyệt chủng” giống như tại TP.HCM. Dự báo, giá nhà sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung căn hộ vừa túi tiền khó cải thiện, giá vật liệu tăng cao, quỹ đất ngày càng khan hiếm…
Ở báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 11.600 căn nhà. Trong đó, có 10.166 căn hộ chung cư chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
“Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) đến năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đã không còn. Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung 2.
Hiện nay, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể, năm 2017 có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5%. Năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%. Đến năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%. 9 tháng đầu năm 2022 có 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2%”, HoREA nêu thực trạng.
Cũng theo Hiệp hội này, đã xuất hiện tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Tuy giao dịch nhà đất đã có dấu hiệu giảm tốc, chậm lại, trầm lắng, nhưng giá nhà đất vẫn còn “neo” giữ mức giá cao.
HoREA cho hay: “Giá nhà bình dân cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh, giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập. Vì vậy, người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ”.
Tăng lãi suất - nỗi lo cho cả doanh nghiệp bất động sản
Thị trường bất động sản đang khó khăn, tăng lãi suất là một nỗi lo cho cả doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư về vấn đề vay vốn.
Mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ với báo chí cho rằng, thị trường đầu tư, nhất là thị trường bất động sản rất nhạy cảm với lãi suất tăng.
Theo ông Hiển đánh giá: “Khi lãi suất tăng, dòng tiền của ngân hàng đang khan hiếm, tăng lãi suất để huy động vốn, theo đó lãi suất cho vay tăng. Điều này là một nỗi lo cho cả công ty bất động sản và các nhà đầu tư về vấn đề vay vốn. Các công ty bất động sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khách hàng vay vốn ngân hàng để mua. Thị trường bất động sản đang khó khăn, lại gặp đúng lúc lãi suất tăng sẽ càng khiến thị trường gặp khó khăn hơn”.
Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ tác động đến tâm lý của thị trường bất động sản trong giai đoạn này.
Theo ông, tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.
Ông Điệp nói: “Nhất là trước đây, khi thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay để lướt sóng bất động sản. Nhưng hiện nay giao dịch trên thị trường bất động sản đang chậm, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc”.
Theo HoREA: “Giá nhà bình dân cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh, giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập. Vì vậy, người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ”.