Nhiều nơi ở miền Trung mất điện vì siêu bão Noru
6h sáng 28/9, nhiều khu vực tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn có mưa lớn, gió từng đợt. Theo ghi nhận của Zing, nằm trong vùng tâm bão đổ bộ, khu vực trung tâm thành phố cây cối đổ ngã, nhiều mái tôn của nhà dân bị tốc, bay vương vãi khắp mặt đường.
Tại điểm Trường Cao Đẳng Phương Đông trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ, nhiều tấm tôn bay khắp mặt sân, cây cối cũng ngã đổ rạp xung quanh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 4h sáng 28/9, các địa phương ghi nhận những thiệt hại ban đầu do bão.
Tại Quảng Trị, trận lốc xoáy chiều 27/9 khiến nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tại Quảng Nam, nhiều nơi ở các huyện, thị xã ven biển ghi nhận sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. Địa phương có gần 4.000 trạm biến áp bị mất điện nhưng chưa khôi phục, đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ,… nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể.
Cập nhật tình hình bão ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, theo ghi nhận trời không mưa, gió nhẹ nên người dân ra biển tập thể dục buổi sáng.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, bão Noru (bão số 4) đã gây gió mạnh tại một số nơi. Trong đó, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 9; Huế có gió giật cấp 6; Sơn Trà (Đà Nẵng) có gió mạnh cấp 9; Tam Thanh (Quảng Nam) gió mạnh cấp 8, Quy Nhơn, Tuy Hòa có gió giật cấp 6, An Khê (Gia Lai) gió mạnh cấp 6.
Khi vào đất liền, phạm vi gió giật mạnh đã thu hẹp lại. Tổng lượng mưa lần này dự báo trên 400 mm.
Tại Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục họp với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão.
"Đây là cơn bão lớn, đáng mừng là đến nay, thiệt hại sau bão không lớn, đặc biệt là thiệt hại về người. Nhưng không được chủ quan vì có trường hợp sau bão còn gây ra thiệt hại lớn hơn", ông Thành lưu ý.
Nhấn mạnh cần tiếp tục theo dõi và chưa được ngừng, nghỉ, Phó thủ tướng giao Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan tổ chức đoàn đi kiểm tra ở Quảng Ngãi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tại Quảng Nam. Phó thủ tướng sẽ đi kiểm tra tại Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Nhiều nơi đã có mưa rất lớn, gió giật rất mạnh
Vào 4 giờ sáng nay (28/9), tâm bão trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 4, đảo Cù Lao Chàm ghi nhận được gió mạnh cấp 10, giật cấp 14, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Tại Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa ghi nhận gió giật cấp 7. Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9. Trà My, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13. Đắk Tô có gió giật cấp 6. Pleiku có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Nhiều nơi đã có mưa rất lớn. Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 04h ngày 28/9 có nơi trên 220mm như Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 306.2mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 221.2mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 381.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 245.4mm.
Dự báo trong ngày hôm nay, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ chiều nay 28/9, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7.
Trong tối và đêm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).