Cát biển phù hợp để thay thế
Thảo luận tại Tổ ngày 26/10 chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thông tin về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp công trình giao thông.
Liên quan đến vật liệu san lấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Theo trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, chúng ta không thiếu cát để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng ĐBSCL. Tuy nhiên, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, sẽ dẫn đến thiếu cục bộ".
Việc các địa phương làm thủ tục theo đúng quy trình thủ tục rất mất thời gian, do đó thời gian qua Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy, cắt giảm thủ tục. Cùng sự quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, đến nay tháo gỡ căn bản trên 72,3 triệu m3 cát sông và đã cấp phép khai thác khoảng 40 triệu m3, còn 32,3 triệu m3 đang làm thủ tục.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu cát biển để phục vụ làm vật liệu san lấp. Sau khi phối hợp với các Bộ, ngành để nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy cát biển có chất lượng tốt không gây vấn đề về ngập mặn, độ kết dính. Đến nay, Sóc Trăng cấp phép cho khoảng 5,5 triệu m3 cát biển phục vụ tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Bộ trưởng nhìn nhận, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển. Chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.
Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển cho toàn bộ các tuyến cao tốc. Song, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần khai thác vừa phải để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nghiên cứu nhập khẩu cát từ Campuchia
Báo cáo Quốc hội về tình hình nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu sử dụng cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm.
Hiệp hội cũng đã đề nghị UBND TPHCM là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.
"Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác đi Campuchia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng là dồi dào, cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam, hoạt động cung cấp cát không có vướng mắc về chủ trương, chính sách của Chính phủ hai nước. Đây là nguồn cung lớn cho các dự án", Bộ GTVT thông tin.
Cân đối nguồn cát của 3 dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL
Báo cáo Quốc hội về tình hình cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT cho biết, đối với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng nhu cầu cát thi công khoảng 29 triệu m3.
Nhu cầu vật liệu này được xác định lấy ở các tỉnh, thành phố: An Giang (hơn 9 triệu m3); Cần Thơ (hơn 7 triệu m3); Hậu Giang (6 triệu m3); Sóc Trăng (6,6 triệu m3).
Tính đến trung tuần tháng 10/2024, các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3. Trong đó, khoảng 10 triệu m3 đã đủ điều kiện khai thác, đang hoàn thiện thủ tục 13 triệu m3.
Khoảng 6 triệu m3 còn lại chưa xác định được nguồn. Trong đó, tại dự án thành phần 4 (tỉnh Sóc Trăng), địa phương dự kiến khai thác tại 7 mỏ cát trên địa bàn tỉnh, trữ lượng đáp ứng nhu cầu 6,6 triệu m3. Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ có 2/7 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 760.000m3 đáp ứng chất lượng, tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác.
Phần cát còn thiếu (hơn 5,8 triệu m3) dự kiến sử dụng nguồn cát biển (đang khai thác phục vụ thi công dự án Cần Thơ - Cà Mau).
"Mặc dù đã cơ bản xác định được nguồn cát, song, công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu do phải điều chuyển để ưu tiên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và khó khăn trong việc nâng công suất khai thác do phải bảo đảm môi trường", Bộ GTVT đánh giá.
Tại dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, báo cáo cho thấy, tổng nhu cầu cát cần khoảng 3,2 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác, còn thiếu 0,4 triệu m3.
Đảm bảo vật liệu thi công cho dự án, năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã tạm điều chuyển cát để phục vụ nhu cầu trước mắt của dự án và nhà thầu đã tiếp nhận khoảng 121.000m3 cát.
Với 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đá cho các dự án thành phần cần khoảng 2,2 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực với khả năng cung ứng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Đối với vật liệu cát đắp nền, Bộ GTVT cho biết, các đơn vị liên quan đã xác định được nguồn hơn 28 triệu m3 trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 gồm: tỉnh An Giang 6,8 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3, Tiền Giang 2 triệu m3, Bến Tre 2 triệu m3, Sóc Trăng 5,5 triệu m3 cát biển.
Tính đến ngày 10/10, khoảng gần 23 triệu m3 đã được cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác (An Giang 6,8 triệu m3; Đồng Tháp 7 triệu m3; Vĩnh Long 3,5 triệu m3; Sóc Trăng 5,5 triệu m3). Khoảng 5,5 triệu m3 còn lại đang hoàn tất thủ tục khai thác (tỉnh Tiền Giang 2 triệu m3, tỉnh Bến Tre 2 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long 1,5 triệu m3).
"Tỉnh An Giang cũng đã điều phối cho dự án 1,4 triệu m3 từ nguồn của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Đồng Tháp đã tăng công suất 2 mỏ để cấp cho dự án", Bộ GTVT thông tin.