Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong tháng 10, Bộ Công Thương đã liên tục có 2 cuộc họp với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có 2 chuyến đi thị sát tại Tổng kho Đức Giang và Tổng kho Nhà Bè để lắng nghe doanh nghiệp. Đến ngày 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có cuộc họp với họp với các doanh nghiệp Nhà nước là đầu mối, sản xuất và kinh doanh xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản gửi sang Bộ Tài chính, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát lại các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu.
Chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận được công văn, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành 11/11 những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật. Khi được tính đúng, tính đủ chi phí sẽ là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp ổn định nguồn cung xăng dầu.
Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá và tiến hành khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, Premium (định mức chi hoa hồng tính trên đơn vị lít cho doanh nghiệp đầu mối, trên cơ sở đó doanh nghiệp đầu mối sẽ tính phần hoa hồng cho doanh nghiệp bán lẻ) đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.