Cuộc họp cũng sẽ có sự tham dự lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)...
Cuộc họp của Chính phủ diễn ra trong bối cảnh các bất cập về nguồn cung xăng dầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng, đại biểu đi đúng thành phần được mời và cử tối đa 2 cán bộ tháp tùng lãnh đạo đến dự họp.
Hàng loạt chỉ đạo nóng được đưa ra
Trước tình trạng nhiều cây xăng tạm ngừng bán hàng hoặc hoạt động cầm chừng, khiến người dân phải xếp hàng dài, chờ đợi hàng chục phút mới mua được xăng, dầu những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, đề xuất sửa đổi các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. Bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định.
Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ Quỹ bình ổn
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, chiều nay (11/11), tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Việc có nên tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu hay không khi sửa luật nhận nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) đề cập tới tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, nhưng vai trò bình ổn thị trường của quỹ này lại chưa rõ. "Không hiếm hình ảnh nhiều cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ mua xăng. Vậy vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này hay không?", ông Thịnh nêu.
Đại biểu tỉnh Khánh Hoà cho rằng đã tới lúc thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa theo quy luật thị trường. Việc này cần được liên Bộ Tài chính - Công thương cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình việc nên bỏ Quỹ bình ổn. Ông Hoà phân tích, quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách, nguồn hình thành quỹ từ giá mua do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít), nhưng lại do doanh nghiệp quản lý. "Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối", ông nói.
Mặt khác, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với thế giới, nên theo cơ chế thị trường sẽ hợp lý hơn. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng dầu bằng công cụ khác như thuế, phí và hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.
Đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói, hiện có nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không lý do gì cần duy trì quỹ này. Theo ông, bình ổn giá là hành động can thiệp thị trường, chỉ nên sử dụng trong vài thời điểm, trường hợp nhất định.
Với những gì đang diễn ra trên thị trường xăng dầu, đại biểu Đồng Nai cho rằng cơ quan quản lý cần điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo thị trường ổn định nhưng cũng hài hoà lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp.
"Nguyên tắc điều hành giá cần tuân theo quy luật thị trường, cung cầu. Việc Nhà nước can thiệp vào giá qua công cụ bình ổn, định giá cần bám sát nguyên tắc này để đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân", ông An nói.
Ở khía cạnh này, ông Phạm Văn Hoà đánh giá, bình ổn giá rất quan trọng, đảm bảo hàng hoá lưu thông, tránh lên xuống mất cân bằng gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, theo ông cần quan tâm tới cung cầu, hạn chế bao cấp bù lỗ, bù giá, linh hoạt khung giá phù hợp thị trường như bình ổn xăng dầu, vừa qua.
"Danh mục hàng hoá bình ổn giá cần đưa vào luật quy định với tiêu chí cụ thể, để tránh lạm dụng đại trà", ông nhấn mạnh.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho hay một số Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương khi được lấy ý kiến đã đề nghị vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Giá xăng dầu mà tăng lên sẽ ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Vì vậy, quỹ này giúp giảm sốc từ từ (tức điều tiết sự tăng mạnh của giá xăng)", ông Phớc nói.