Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp quay về 1%
Nghị quyết số 116/2021 của Chính phủ quy định chủ doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc giảm mức đóng nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022. Từ ngày 1/10, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử
Nghị định số 59/2022 có hiệu lực từ ngày 20/10, quy định định danh và xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân như số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung, vân tay.
Danh tính điện tử người nước ngoài gồm những thông tin như công dân Việt Nam, nhưng bổ sung thêm quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô
Thông tư số 11/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ hiệu lực từ ngày 1/10, đã bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô. Như vậy, Thông tư này sẽ bãi bỏ việc sử dụng phương pháp tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa. Tức là, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số, rồi quy ra một tỷ lệ % nội địa hóa nhất định, mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó.
Việc bãi bỏ những quy định này nhằm tránh chồng chéo với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phù hợp với xu thế nền công nghiệp ôtô hiện đại.
Cách tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô được các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới áp dụng hiện nay là dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước. Cụ thể, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, khi đó hàng hóa được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo cách tính tỷ lệ nội địa hóa nội khối.
Phí đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng
Trong Thông tư số 55/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016, quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới, có hiệu lực thi hành từ 8/10.
Đáng chú ý, giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) của tất cả các loại ô tô đều được điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng mỗi xe so với hiện hành.
Cụ thể, phí đăng kiểm xe ô tô tải, đoàn xe ô tô (xe ô tô đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng sẽ là 570.000 đồng; xe ô tô khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt là 360.000 đồng; xe con dưới 10 chỗ tăng là 250.000 đồng; máy kéo, xe chở hàng, chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự 190.000 đồng...