Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu thành lập được Sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt. Về mặt lý thuyết, thành lập Sàn có những lợi ích chủ yếu như: Tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro; Tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia;
Quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như là các giao dịch bằng các hợp đồng, hợp đồng phái sinh ngoài việc đầu tư thì việc quản lý rủi ro tốt; Thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch và sẽ phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính hay Ngân hàng, chứng khoán…
Đối với Việt Nam nếu có sự giao dịch xăng dầu trên Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Đồng thời sẽ giảm độc quyền.
Hiện nay, chúng ta có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Đa phần các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, do đó ông Ngô Trí Long cho rằng khi có Sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu.
Cùng với đó, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng cho hay, vẫn có nhiều thách thức khi lập Sàn giao dịch xăng dầu. Cụ thể là chi phí ban đầu rất lớn; công tác quản lý và giám sát cần hiệu quả hơn; khả năng tham gia của các đối tượng ra sao?
Bên cạnh đó còn có rủi ro về mặt thị trường, xây dựng Sàn phải tương thích với các quy định của quốc tế.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, để có thể xây dựng được Sàn giao dịch xăng dầu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành. Đối với hàng hóa là xăng dầu khi thành lập Sàn giao dịch cần rất nhiều thời gian tập trung công sức để nghiên cứu kỹ lưỡng bởi mặt hàng xăng dầu có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm nên việc xây dựng Sàn rất khó khăn và phức tạp.
Khi đã có sàn giao dịch xăng dầu rồi thì có những câu hỏi đặt ra với Nhà nước là: Thứ nhất, mặt hàng này có chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan Nhà nước theo cơ chế thị trường hay không? Thứ hai, Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu ở mức độ nào? Vấn đề thứ ba, định kỳ cơ quan Nhà nước phải công bố giá điều hành hay giá trần xăng dầu hay để doanh nghiệp tự quyết định. Thứ tư, Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính quản lý giá bán lẻ xăng dầu?
Qua đó, theo ông Ngô Trí Long, nên tổ chức niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa như mô hình của các nước hiện nay đang làm.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, các sàn giao dịch ở Singapore, sàn giao dịch ở New York, Mỹ, EU yêu cầu tính liên thông rất cao độ, cũng không khác gì sàn giao dịch vàng bạc. Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chưa liên thông được bởi trong cơ cấu giá hình thành giá xăng dầu bán ra còn có vấn đề về thuế như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng, quỹ bình ổn, chi phí định mức…
Ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng cho biết, nếu có thành lập chỉ là thực hiện giao dịch xăng dầu về vật chất, ông không nghĩ các sản phẩm phái sinh giao dịch trên sàn xăng dầu. Bởi vì trên thế giới phái sinh xăng dầu chủ yếu trên thị trường tài chính, không giao dịch trên thị trường hàng hóa vật chất.
Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu hay không không phải vấn đề đáng bàn cãi, mà quan trọng là Sàn ấy sau khi thành lập có tính chất như thế nào, liên thông ra sao, mục tiêu hoạt động là gì, các nhà phân phối được tự do mua bán hay không…