Theo Cục Đầu tư nước ngoài, kể từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài liên tục giảm, trong tháng 1 đạt gần 1,69 tỉ USD, giảm 19,8%; trong tháng 2 đạt gần 3,1 tỉ USD, giảm 38%, so với cùng kỳ năm 2022.
Vốn đầu tư chưa được cải thiện trong 2 tháng đầu năm
Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng của năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.
Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng đầu năm.
“Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Cụ thể, trong quý đầu năm, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,21 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.
Cũng trong khoảng thời gian này, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với 2 tháng. Đáng chú ý, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng trở lại (tăng 2,6%) thay vì giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm, có 703 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị gần 1,22 tỷ USD, giảm 4,2% về số lượt và giảm 25,5% về số vốn so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện cũng giảm
Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Tuy vậy, mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm khi tăng 2,7 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan quản lý, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng.
Cùng với đó, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Xét theo đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu nay; trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ.
Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Hà Lan...
Đặc biệt, đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng vọt, vượt qua Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng, với dự án đầu tư mới lớn (140 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất pin, ắc quy, tấm pin năng lượng Mặt Trời tại Bắc Giang.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong ba tháng đầu năm nay có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 113,3 triệu USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước; có 07 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 6,2 triệu USD, giảm 80,1%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 119,5 triệu USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thông tin và truyền thông đạt 105,4 triệu USD, chiếm 88,2% tổng vốn đầu tư; dịch vụ khác đạt 5 triệu USD, chiếm 4,2%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,4 triệu USD, chiếm 3,7%; các ngành còn lại đạt 4,7 triệu USD, chiếm 3,9%.
Trong 3 tháng đầu năm nay có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Singapore là nước dẫn đầu với 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đăng ký; Israel 5 triệu USD, chiếm 4,2%; Campuchia 2,1 triệu USD, chiếm 1,7%; Australia 1,6 triệu USD, chiếm 1,3%; Thái Lan 1,3 triệu USD, chiếm 1,1%.
Việt Nam phải cải cách để thu hút đầu tư
GS.TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, để cạnh tranh thu hút FDI, hàng loạt vấn đề Việt Nam phải cải cách, như vấn đề về tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…
Chưa kể, trọng tâm chính sách cũng phải điều chỉnh. Nếu muốn thu hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tương lai, thì theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư để thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án….
“Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế”, GS.TSKH. Nguyễn Mại khuyến nghị