Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp gia tăng, trong đó có cúm B.
Theo PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) - thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.
Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng là B/Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người.
Ở các nước nhiệt đới, bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng chủ yếu gặp vào mùa đông, có thể gây thành dịch không theo quy luật thông thường.
Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm, hoặc chạm vào bề mặt có chứa virus. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày, trẻ em và người miễn dịch kém có thể ủ bệnh lâu hơn.
Các triệu chứng thường gặp gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, kiệt sức, nôn, tiêu chảy...
Theo bác sĩ Tuấn, phần lớn bệnh cúm B tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan... nhưng rất hiếm.
Nhóm có nguy cơ biến chứng nặng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ có các bệnh mãn tính như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì,...
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm, tùy thuộc vào lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.