Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/9 cho ý kiến về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Điều 109 dự thảo quy định về bảo đảm an toàn cho y, bác sĩ tại cơ sở y tế, trong đó đề xuất cơ sở khám, chữa bệnh tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự; tạm giữ, trục xuất người có hành vi gây mất an ninh trật tự và phong tỏa khu vực bị mất an ninh trật tự tại cơ sở y tế.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cơ chế bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ là rất cần thiết và cần được cụ thể hóa trong dự thảo. Điều này phù hợp với thực tiễn gần đây, khi tình trạng y, bác sĩ bị xúc phạm, xâm hại về sức khỏe diễn ra nhiều, nhất là khi điều trị bệnh nguy hiểm.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo cần quy định giải pháp ngăn chặn không xung đột với luật khác, và thẩm quyền của người ngăn chặn không nên là nhân viên y tế.
"Cần xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện việc này. Luật có thể nêu thêm nội dung về ngân sách để xây dựng lực lượng, thậm chí đề xuất quy trình, máy móc bảo vệ y, bác sĩ", ông Định nói.
Khẳng định "bác sĩ đang cầm dao mổ bị xông vào đấm, đá, tát thì không thể tự bảo vệ được bản thân", Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thảo luận thêm về đề xuất nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói biện pháp tạm giữ đối tượng gây rối, hoặc tịch thu phương tiện, công cụ đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thẩm quyền không thuộc về giám đốc bệnh viện hay người đứng đầu cơ sở y tế. Vì vậy, ông Tùng đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn nội dung này để tránh xung đột với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình việc cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ y tế tại bệnh viện. Bà đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan Quốc hội để quy định cụ thể hơn.