Cô bé Thắm khi sinh ra không may mắn vì không có hai cánh tay. Em còn mang nhiều căn bệnh khác, nặng nhất là cột sống bị cong vẹo. Vậy mà khi đến tuổi đi học phổ thông, cô bé giàu nghị lực ấy đã kiên trì vượt qua những cơn đau tức thở để tập viết bằng chân. Năm tháng trôi qua, Thắm đã học xong chương trình phổ thông rồi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, khoa sư phạm tiếng Anh. Có tấm bằng tốt nghiệp đại học rồi, nhưng cô khó có thể trở thành giáo viên trong nhà trường vì không có tay, thân hình nhỏ bé, chỉ cao 1,4 mét, nặng chưa đầy 30 kg. Không nản chí, suốt ba năm qua, Thắm lặng lẽ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em con nhà nghèo. Lớp học luôn có khoảng 30 học sinh, học đều đặn các ngày trong tuần. Không chỉ dạy các em bậc tiểu học và THCS, Thắm còn dạy kèm các em học sinh lớp 11 ôn luyện các dạng đề nâng cao.
Thế rồi duyên may đã đến, hôm 9-6, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Lê Thị Thắm đã lên đọc bài tham luận ngắn gọn mà vô cùng xúc động. Giọng cô nghẹn ngào: “Cháu nghĩ rằng, trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước”.
Chứng kiến và cảm kích trước nghị lực phi thường của cô giáo tật nguyền, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo tuyển dụng đặc cách Lê Thị Thắm vào trường công lập, ngay trong năm học mới (2023-2024).
Hoan nghênh một quyết định đúng đắn, kịp thời, nhân văn của Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy Đông Sơn và của ngành giáo dục Thanh Hóa. Quyết định này giúp cho cô giáo trẻ vững tin “đi về phía mặt trời”.
Vậy là trong ngành giáo dục đã có Nguyễn Ngọc Ký thứ hai. Tôi chợt nhớ tới tấm gương nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022) Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã vinh danh ông: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Năm bốn tuổi, cậu bé Ký quê Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định bị liệt hai tay. Lên bảy tuổi cậu tập viết bằng chân, nung nấu một ước mơ giản dị mà vô cùng khó khăn, quyết chí đi học như mọi người bình thường. Suốt mấy chục năm gắng gỏi, vớiý chí vươn lên mạnh mẽ, Nguyễn Ngọc Ký đã vượt lên sự run rủi của số phận. Đôi bàn chân kỳ diệuấy đã viết sách, làm thơ, dạy học. Nguyễn Ngọc Ký trở thành tấm gương sáng vượt khó như một biểu tượng cho nhiều thế hệ thiếu niên, thanh niên Việt Nam.
Và thật vui, sau khi ông qua đời một năm, tại xứ Thanh đã có truyền nhân - người thầy thứ hai ở Việt Nam dùng chân để viết.
Sau Nguyễn Ngọc Ký còn có Hoa Xuân Tứ. Ông sinh năm 1950, quê ở Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông không may bị tai nạn lao động khi mới lên sáu tuổi, hai cánh tay bị cuốn vào trục máy ép mía và giập nát. Không còn đôi tay nhưng Tứ không gục ngã, vẫn ngày ngày đến trường, tập viết bằng chân. Nhà văn Sơn Tùng đã viết bài đăng báo về cậu học trò giàu ý chí, nghị lực. Đọc bài báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động. Bác đã gọi điện thoại cho Chủ tịch UBHC tỉnh Nghệ An khi đó, đề nghị đặc cách để thiếu nhi Hoa Xuân Tứ ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966.
Lại là chuyện “đặc cách”, cách Lê Thị Thắm đã 57 năm. Có điều đây là ưu tiên ra dự một Đại hội anh hùng. Niềm vui lớn ấy thôi thúc Hoa Xuân Tứ tiếp tục học tập và tốt nghiệp cấp III (hệ mười năm). Rất tiếc, do cơ thể khiếm khuyết, nguyện vọng học lên đại học, hoặc đi bộ đội của ông đều không được đáp ứng. Trở về quê, Tứ nghĩ cách chuyển sang viết bằng...vai và cằm. Chữ viết rõ ràng, nét ngang, nét dọc thẳng thớm, không ai biết “tác giả” là người không còn đôi tay. Ông trở thành một lão nông giàu tri thức, lao động cần cù, sáng tạo trên mảnh đất quê hương.
Câu chuyện về Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ, Lê Thị Thắm truyền đến mọi người niềm tin yêu cuộc đời này. Không gục ngã, hãy đi về phía mặt trời, tương lai đang chờ các bạn. Những câu chuyện có thực trong đời mà như huyền thoại, tiếp thêm sức mạnh cho những ai có số phận không may mắn.
Người viết bài này chợt nhớ đến câu chuyện về Nick Vujicic. Anh sinh năm 1982 tại Úc. Khi chào đời anh đã không có tứ chi mà chỉ có một bàn chân và hai ngón chân nhỏ. Thế nhưng lớn dần lên, chàng trai ấy đã dũng cảm đối mặt với số phận. Vào tuổi thanh niên, Nick thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình có tên “Cuộc sống không có tay chân”. Vujicic đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hy vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Anh nói: “Tôi không phải là một người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa”.
Đương nhiên, dù ở bất kỳ quốc gia nào, luôn rất cần sự chở che, đùm bọc của cộng đồng, rất cần “đặc cách” kịp thời, giàu lòng nhân ái. Khi ta nói về chỉ số hạnh phúc của con người, của một đất nước là nói đến những điều lớn lao. Hãy quan tâm những điều bình dị, thiết thực, những mảnh đời bất hạnh. Hãy tạo điều kiện tốt nhất cho những con người có bản lĩnh và ý chí vượt lên số phận. Vì họ xứng đáng được như thế! Vâng, không ai bị bỏ lại phía sau, đó chính là hạnh phúc.