Vì đâu nên nỗi?
Theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, mùa du lịch hè năm nay, tỷ lệ khách mua tour nước ngoài (du lịch outbound) chủ yếu đi các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và tour châu Âu, tour Úc… chiếm đa số, từ 70 – 80% lượng khách mua tour tại doanh nghiệp. Với các đường tour nội địa, khách chủ yếu chọn tour gần, di chuyển bằng ô tô hoặc tàu hỏa “vì giá vé máy bay nội địa quá cao khiến khách ít lựa chọn tour du chuyển bằng đường hàng không”, đại diện một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM nói.
Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Vietourist Holdings, khẳng định hiện doanh nghiệp của ông đã “chốt sổ tour du lịch hè và đang tập trung bán tour mùa thu”. Đồng thời, cũng theo ông Hiếu, mùa hè này khách lựa chọn các đường tour nước ngoài nếu di chuyển bằng hàng không, các tour nội địa thường đi gần, di chuyển bằng đường bộ.
Về điều này, các đơn vị lữ hành cũng khẳng định, sản phẩm khởi hành bằng đường hàng không “bán chậm” hơn nhiều so với tour đường bộ, đường tàu hỏa. Trao đổi riêng với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Fiditour, cho biết: “Giá vé máy bay nội địa thời gian qua rất cao khiến lữ hành ‘gặp khó’ khi triển khai tour du lịch trong nước kết hợp hàng không”, ông Hoàng nói và cho rằng, khi giá vé máy bay giảm thì đã qua giai đoạn cao điểm bán tour hè của lữ hành. Đây cũng là lý do lớn khiến nhiều khách hàng “quay lưng” với du lịch nội địa hè năm nay mà chuyển hướng lựa chọn các đường tour nước ngoài vì giá vé máy bay luôn ổn định và nước sở tại có nhiều chính sách thiết thực để thu hút khách.
Cũng theo ông Hoàng, giá vé máy bay ảnh hưởng rất nhiều đến cấu thành giá tour nên khi giá vé cao, giá tour theo đó cũng không thể rẻ. Ông đơn cử, tour miền Bắc (6 ngày 5 đêm) di chuyển bằng hàng không có giá dao động từ 10 – 12 triệu đồng. Trong khi đó, tour đi Thái Lan chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng. “Chất lượng tour như nhau nhưng giá tour chênh nhau nhiều nên đa phần du khách sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài”, ông Hoàng phân tích.
Ngoài ra, theo khẳng định của các chuyên gia du lịch, xu hướng đi du lịch nội địa của người Việt đã thay đổi so với trước. “Với du lịch trong nước, khách (trẻ, ở độ tuổi lao động - PV) thường có xu hướng tự trải nghiệm hơn là mua tour từ lữ hành”, ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) nói. Với khả năng tiếp cận công nghệ tốt, kèm theo các dịch vụ du lịch trong nước gần như đều được bán trên nền tảng trực tuyến qua các kênh OTAs hoặc đơn vị cung ứng bán trực tiếp (thông qua đội ngũ kinh doanh và website) nên khách dễ dàng lựa chọn dịch vụ phù hợp để bản thân tự trải nghiệm, khám phá.
Chính vì thế, báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng của năm 2024 tăng nhiều nhưng doanh thu du lịch không tương xứng. Đơn cữ như TPHCM, khách du lịch nội địa đến thành phố trong 6 tháng qua ước đạt trên 17 triệu lượt, đạt 45,1% so với kế hoạch năm nhưng tổng thu du lịch chỉ tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hay như Hà Nội, dù được đánh giá là lượng khách tăng trưởng tốt khi mà khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 48,4%; khách nội địa đạt 892.000 lượt, tăng 15,4% nhưng tổng thu từ khách du lịch chỉ tăng được khoảng 50% so với lượng khách, (tăng 22,8%).
Điểm đến “ngóng” khách
Theo kết quả khảo sát của Mustgo, nền tảng đặt phòng với hơn 2.000 đối tác khách sạn trên toàn quốc, hầu hết các điểm đến du lịch phụ thuộc vào vé máy bay có công suất phòng chỉ ở mức khá hoặc trung bình dịp hè năm nay.
Điển hình, Quy Nhơn ghi nhận công suất chung đạt trên 50% với khách sạn 4 - 5 sao, tuy nhiên tháng 6, tháng 7 còn trống nhiều phòng. Đại diện một số khách sạn cho biết lượng khách chủ yếu từ TPHCM và một số tỉnh miền Tây nhưng “mất hẳn khách từ phía bắc” do giá vé máy bay cao. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách miền Bắc giảm khoảng 70%.
Tương tự, công suất phòng khách sạn 4 - 5 sao ở Phú Quốc giai đoạn hè trung bình cũng đạt 50%. Trong tháng 6, phòng trống nhiều nên các khách sạn cho phép đại lý du lịch bán free sale (bán không giới hạn trong một thời gian nhất định). Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, cho biết công suất các khách sạn 4 - 5 sao mặt biển (ở Nha Trang) cũng chỉ đạt khoảng 40 - 50% trong tháng 6 và tháng 7.
Cũng theo ông Sơn, năm ngoái khách Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào Nha Trang tương đối đông nhưng năm nay khách chủ yếu từ thị trường phía Nam. “Khách tới Nha Trang chủ yếu đi bằng xe hơi vì tuyến đường cao tốc kết nối Nha Trang với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đã được nối thông”, ông Sơn nói.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, nhà hàng… ở Nha Trang cũng khẳng định, năm nay đón và phục vụ khá ít du khách đến từ miền Bắc. Ông Hoàng Anh, chủ một khách sạn 4 sao ở Nha Trang, cũng cho biết lượng khách từ Hà Nội giảm khoảng 60% so với năm ngoái.
Theo ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng phát triển sản phẩm Mustgo, khách miền Bắc hè này chủ yếu chọn du lịch Sa Pa, Quảng Ninh hay Quảng Bình. Tại Sa Pa, Mustgo ghi nhận công suất cuối tuần phân khúc 3 - 5 sao đạt 60 - 70%, một số resort 5 sao ghi nhận công suất 100% vào dịp cuối tuần. Khách sạn 4 - 5 sao ở Quảng Ninh luôn đạt 80 - 90% công suất trong tháng 6, cuối tuần hết phòng.
Ông Hùng nhận xét tuy đang trong giai đoạn cao điểm nhưng các tỉnh thành phụ thuộc vào đường bay hầu như không đạt công suất phòng như kỳ vọng. Lý do cả khách lẻ lẫn khách đoàn đều cân nhắc kỹ về chi phí, ưu tiên chọn điểm đến gần thành phố mình sống. Các điểm đến có biển, thuận tiện di chuyển bằng đường bộ hứa hẹn vẫn là điểm nóng trong thời gian tới.
Về phía các đơn vị lữ hành, khảo sát ở nhiều công ty bán tour du lịch hè 2024 cho thấy, khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc không ưu tiên lựa chọn các điểm xa như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Phú Yên… Đa phần khách chuyển hướng tới những điểm đến cự ly gần, tương đối dễ di chuyển bằng ôtô như Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Hải Tiến (Thanh Hóa)...
Ảnh hưởng của giá vé máy bay cao khiến các sản phẩm teambuilding - vốn chiếm tỷ lệ cao dịp hè cũng đổi lịch trình từ đường bay sang đường bộ. Theo bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist, nhóm khách hàng đoàn thể, doanh nghiệp quy mô 300 - 600 khách tổ chức teambuilding, MICE năm nay có xu hướng lựa chọn các chương trình tour đường bộ và các điểm đến đảm bảo các yếu tố hạ tầng cơ sở hoàn thiện, cảnh quan thiên nhiên đẹp và giao thông thuận tiện như Phan Thiết, Nha Trang.
Nhiều đơn vị lữ hành đã linh hoạt mở rộng sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể làm suy giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam. Mặt khác, để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong bối cảnh giá vé máy bay đang cao, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích.