Thật vậy, phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết: “Tôi không muốn nói đây là điều vô nghĩa, nhưng nó cũng không mang lại ý nghĩa thực tế nào. Từ đầu mùa hè, chúng tôi đã chuẩn bị thay thế dầu của Nga”.
Từ ngày 1/2/2023, Nga sẽ cấm bán dầu của mình cho bất kỳ quốc gia nào tuân thủ chính sách áp trần giá dầu do Liên minh châu Âu - G7 - Úc triển khai từ đầu tháng 12/2022.
Phát ngôn viên Đức giải thích: “Chúng tôi luôn tích cực thực hiện công tác đảm bảo an ninh nguồn cung. Dù Nga có ban hành lệnh cấm vận hay không, nguồn cung vẫn sẽ tiếp tục được đảm bảo”.
Vào đầu tháng 12, sau nhiều tháng thỏa thuận, 27 quốc gia thành viên của EU, cùng những cường quốc của G7 và Úc, đã thống nhất áp trần giá dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Như vậy, những công ty vận tải và bảo hiểm đường biển chỉ được phép chở dầu Nga nếu chúng bán với giá bằng hoặc thấp hơn 60 USD/thùng. Nếu giá cao hơn mức trần này, các công ty không được phép cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hải (vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm...).
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Vào năm 2021, Nga là nhà cung cấp vàng đen lớn thứ hai của EU.
Theo những nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm tiếp tục thể hiện lập trường phản đối cuộc chiến Nga - Ukraine, sản lượng dầu Nga nhập khẩu vào EU sẽ bị cắt giảm 90% vào cuối năm nay và trước ngày 1/1/2023.