Số liệu từ hãng nghiên cứu ICIS cho thấy giá khí đốt tương lai tại châu Âu đã tăng 52% từ đầu tháng 6, chạm ngưỡng 35 euro (38 USD)/mWh hôm 16/6. Hãng CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng giá đảo chiều chủ yếu do việc bảo trì các nhà máy khí đốt chính ở Na Uy kéo dài hơn dự kiến.
Thời điểm hiện tại, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với hè năm ngoái, khi khu vực này mắc kẹt trong cuộc chiến năng lượng với Nga, liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhà kinh tế học tại Capital Economics, Bill Weatherburn nhận xét: "việc giá tăng gần đây cho thấy thị trường châu Âu nhạy cảm thế nào đối với gián đoạn nguồn cung".
Hãng điều hành hệ thống cung cấp khí đốt của Na Uy, Gassco mới đây đã thông báo kế hoạch đóng cửa một trong các nhà máy xử lý khí đốt của họ sẽ phải kéo dài đến ngày 15/7. Trước đó, nhà máy này dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 21/6. Hai nhà máy khí đốt khác sẽ vẫn đóng cửa vô thời hạn để khắc phục những tồn tại.
Năm 2022, Na Uy đã thay Nga trở thành nguồn cung khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm hơn 24% thị phần, trong khi, khí đốt đường ống Nga chỉ chiếm 15%.
Châu Âu hiện cũng đứng trước nguy cơ mất thêm nguồn cung khí đốt lớn nữa. Giá khí đốt tăng vọt phiên 15/6 sau thông tin Hà Lan dự kiến đóng vĩnh viễn mỏ khí Groningen vào tháng 10, sớm hơn một năm.
Hồi cuối tuần qua, giá khí đốt thậm chí có thời điểm tăng lên gần 50 euro/mWh, sau đó mới giảm xuống. Đây là mức gấp đôi hồi đầu tháng.
Hãng CNN dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Hà Lan cho biết họ vẫn chưa quyết định thời điểm đóng cửa mỏ Groningnen - một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, nhưng hiện chỉ cung cấp một phần nhu cầu cho châu Âu.