Lỗ ròng gần 200 tỷ đồng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy các chỉ tiêu kết quả kinh doanh diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước leo thang theo chiến sự Nga - Ukraine giai đoạn nửa đầu năm.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II đạt 84.367 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 81.965 tỷ đồng, tương đương hơn 97% doanh thu thuần dẫn tới lợi nhuận gộp đạt được chỉ ở mức 2.403 tỷ đồng, bằng 56,8% kết quả của cùng kỳ năm 2021.
Theo Báo cáo tài chính, tính đến hết ngày 30/6, giá trị tồn kho Petrolimex đã tăng 10.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên gần 23.500 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng giảm giá đến hơn 1.330 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,2 lần, đạt 416 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng tới 2,9 lần lên 512 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, trong quý II vừa rồi, mặc dù giá bán trên thị trường tăng mạnh nhưng Petrolimex lại ghi nhận lỗ thuần hơn 295 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ có lãi 1.829 tỷ đồng).
Sau khi cộng thêm gần 17 tỷ đồng lợi nhuận khác, Petrolimex lỗ trước thuế 279 tỷ đồng và lỗ sau thuế 141 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 196 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.498 tỷ đồng).
Đâu là nguyên nhân?
Giải trình từ phía Petrolimex cho biết nguyên nhân thua lỗ là do lợi nhuận từ công ty mẹ giảm mạnh. Cụ thể, trong quý II/2022, giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng đầu quý II lên 122 USD/thùng (tăng 23%) sau đó giảm xuống còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, Petrolimex tăng cường nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu tại những thời điểm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó biên lợi nhuận gộp bị suy giảm mạnh. Do giá xăng dầu từ đầu tháng 7 giảm với biên độ lớn, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến ngày 30/6 với giá trị 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì công ty mẹ sẽ có lãi 295 tỷ đồng.
Trái ngược với Petrolimex, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil - mã OIL) cũng là một "ông lớn" khác trong ngành xăng dầu tại Việt Nam đã báo đạt doanh thu lên kỷ lục với hơn 30.400 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đi kèm đó thì PV Oil có lãi sau thuế gần 510 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này từng đạt được kể từ khi lên sàn. Lượng hàng tồn kho của PV Oil đến hết ngày 30.6 có trị giá hơn 5.343 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm và PV Oil chỉ trích lập dự phòng giảm giá hơn 31,4 tỷ đồng.