Chiều 21/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm thêm 450 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.580 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này cũng quay đầu giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.650 đồng/lít còn 22.530 đồng/lít, dầu hỏa còn 22.440 đồng/lít. Hiện, giá dầu về bằng giá xăng RON 95 trong nước.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 25 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 11 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.500-22.500 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 450 đồng/lít, dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối dương lớn. Tính đến 12/9, Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước - dương 840 tỷ đồng, Saigon Petro 242,6 tỷ đồng, Petimex là 293 tỷ đồng...
Bộ Tài chính cho biết trong quý II (từ 1/4 đến hết 30/6), tổng số tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu gần 1.008 tỷ đồng, trong khi tổng sử dụng quỹ gần 527 tỷ đồng. Trước đó, số dư quỹ bình ổn giá xăng tại cuối tháng 3 âm gần 170 tỷ đồng. Tổng lại, số dư quỹ bình ổn xăng dầu đến cuối tháng 6 dương hơn 310 tỷ đồng.
Tính trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã trích tổng cộng 1.610 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá. Ngược lại, quỹ này đã phải chi ra gần 2.200 tỷ đồng để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước, tương đương mức chi hơn 12,2 tỷ đồng/ngày.
Hiện, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết mức chiết khấu thấp kéo dài khiến họ khó tiếp tục duy trì kinh doanh, đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt.