Hà Nội chìm trong tình trạng ô nhiễm không khí

Chỉ số từ các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội cho thấy chất lượng không khí đang ở ngưỡng xấu, kém. Theo các chuyên gia, điều này tác động xấu tới sức khỏe.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - chuyên gia môi trường - cho biết theo thông tin quan trắc cơ quan chức năng công bố, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã bước vào "mùa" ô nhiễm không khí.

Theo cảnh báo của hệ thống quan trắc không khí, chất lượng không khí rất kém và gây nguy hại cho sức khỏe nhóm người nhạy cảm là người già và trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp.

 Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 14/10 theo trang web IQair

Theo trang web IQair chuyên về theo dõi chất lượng không khí, sáng 14/10, không khí tại Hà Nội đang ở mức không an toàn với chỉ số AQI lên tới 160. Nguyên nhân là do bụi mịn OM2.5 gấp 13,6 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Một số điểm có chỉ số AQI cao tại Hà Nội như: Cửa Nam (160), Thành Công (151), Ngọc Lâm (160), ngoài ra một số khu vực ngoại ô cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 160 đến 180. Thậm chí khu vực bán đảo Quảng An (Tây Hồ) còn có chỉ số AQI lên tới 203 vào lúc 9h sáng. Đây là mức rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Với nồng độ bụi mịn cao như vậy, IQair khuyến cáo người dân tránh tập thể dục ngoài trời, tránh ra khỏi nhà và đóng các cửa sổ đồng thời bật máy lọc không khí. Nếu phải ra ngoài, người dân nên đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

Nguyên nhân gây ô nhiễm do mật độ xây dựng trong thành phố nhiều. Lượng khí thải từ các khu đốt rác, khu công nghiệp ở ngoại thành ngày càng tăng. Người dân đốt rơm rạ và khói bụi từ các phương tiện tư nhân… khiến ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng hơn

Trước vấn nạn ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông. Cục cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn khí thải đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Bạn đang xem bài viết Hà Nội chìm trong tình trạng ô nhiễm không khí tại mục Sức Khỏe do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.