Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực… phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội trong đó phát triển mô hình kinh tế về đêm. Nâng cao giá trị tôn giáo tín ngưỡng của cụm di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa sau khi được cải tạo, đồng thời cũng làm tăng giá trị cảnh quan của hồ.
Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ gắn với Công viên Thống Nhất và khu vực phụ cận tạo thành địa điểm tổ chức không gian giao lưu, giao tiếp cộng đồng với các không gian mở và phố đi bộ, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, dịch vụ thương mại, thông tin tuyên truyền. Qua đó phát huy hết tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại, dịch vụ tăng sức hút cạnh tranh trong hoạt động du lịch - dịch vụ - thương mại trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng và Thủ đô Hà Nội.
Phạm vi tổ chức không gian đi bộ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông (từ nút giao với phố Quang Trung đến ngã ba Trần Bình Trọng), trục chính công viên Thống Nhất (đoạn từ cổng công viên đến hồ Bảy Mẫu) và toàn bộ khu vực công viên, cây xanh hồ Thiền Quang. Tổng chiều dài dự kiến khoảng 1,6km; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 1,1ha, trong đó có khoảng 0,48ha mặt nước.
Giai đoạn 2, không gian đi bộ được mở rộng với các tuyến phố xung quanh hồ Thiền Quang gồm Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng và vùng phụ cận kết nối các tuyến phố lân cận, khu biểu diễn và các trung tâm thương mại.