Hà Tĩnh hiện có 137 km đường bờ biển cùng hàng trăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng phát triển ngành du lịch – lĩnh vực được coi là “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tận dụng các quỹ đất chưa khai thác lâu dài để phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế pháp lý và phương thức tổ chức thực hiện.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 570 ha đất tại nhiều vị trí thuận lợi, có thể khai thác cho thuê ngắn hạn để hình thành các không gian du lịch đa dạng. Nếu được tổ chức hiệu quả, quỹ đất này sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng các điểm dừng chân, không gian trải nghiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch gắn với cộng đồng địa phương.
Điểm mới nổi bật của quy định lần này là việc cho thuê quỹ đất ngắn hạn đã có hành lang pháp lý rõ ràng. Theo đó, việc cho thuê sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng trực tiếp, không cần đấu giá quyền sử dụng đất, không yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư hay phù hợp quy hoạch sử dụng đất như các dự án đầu tư dài hạn trước đây. Quy định này tạo cơ chế linh hoạt, giúp địa phương và người dân, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, khai thác, đầu tư và phát triển các loại hình du lịch mới.
Thẩm quyền cho thuê đất ngắn hạn sẽ được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND cấp xã, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương sau sắp xếp tổ chức lại thành 2 cấp.
Căn cứ vào hướng dẫn cụ thể của tỉnh, các địa phương sẽ rà soát, xác định vị trí ưu tiên để bố trí công trình, không gian du lịch phù hợp như điểm dừng chân, cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, khu vực trải nghiệm văn hóa – nông nghiệp, góp phần hình thành các điểm đến hấp dẫn du khách.
Việc ban hành và triển khai văn bản quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn được đánh giá là chủ trương phù hợp, kịp thời, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong sử dụng tài nguyên đất đai, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để phát triển ngành du lịch xanh, bền vững.
Với chính sách mới này, Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực như tăng thu ngân sách, thu hút nguồn lực đầu tư, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập người dân và đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội hài hòa, bền vững.