Đó là kết luận của ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương tại phiên họp thường kỳ tháng 9 (lần 3) của địa phương này.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Hải Dương có 883 cơ sở y tế gồm 17 cơ sở tuyến tỉnh, 12 cơ sở tuyến huyện quản lý 235 trạm y tế cấp xã và 619 cơ sở tư nhân. Số liệu thống kê từ các đơn vị cho thấy, năm 2021 tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh là 11.853 tấn, năm 2022 là 3.062 tấn.
Hầu hết các cơ sở y tế đều ký hợp đồng chuyển giao, xử lý chất thải rắn với các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại chất thải rắn y tế theo đúng quy định của một số trạm y tế, phòng khám tư nhân quy mô nhỏ còn hạn chế.
Việc ký hợp đồng chuyển giao chất thải y tế với đơn vị xử lý gặp khó khăn do khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các đơn vị này ít, việc vận chuyển chất thải y tế trực tiếp đến cơ sở xử lý phức tạp do không có xe chuyên dụng. Do đó cần phải ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế để bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu quy định phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế. Các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý phải chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong đó quan tâm tới phương thức vận chuyển chất thải rắn y tế, bảo đảm hiệu quả, khoa học, tránh lãng phí. Chậm nhất ngày 25/9, Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thiện dự thảo quy định, trình UBND tỉnh xem xét ban hành.