Hàng loạt vụ lừa đảo qua chuyển khoản: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?

Gần đây, liên tiếp các vụ lừa đảo qua điện thoại xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, các ngành chức năng cũng liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường. Điều đáng nói, các nạn nhân bị lừa đảo đều chuyển khoản. Vậy trách nhiệm của ngân hàng ở đâu? Liệu có phải do ngân hàng dễ dãi trong mở và quản lý các tài khoản?

Hàng loạt thủ đoạn giăng bẫy khắp nơi

Thời gian vừa qua, những kẻ lừa đảo dùng mọi thủ đoạn để lừa đảo người dân, cụ thể, chúng nhờ sử dụng công nghệ AI để giả giọng người thân lừa tiền, hay giả danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí cho con đang cấp cứu tại bệnh viện…Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa cho vay nặng lãi hay đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Một số trường hợp, kẻ xấu dụ người dân sử dụng truy cập vào những đường link do chúng kiểm soát nhằm rút sạch số tiền trong tài khoản của bị hại. Các thủ đoạn lừa đảo kiểu này có rất nhiều hình thức mới như lừa nhập thông tin tài khoản vào các trang web giả mạo website của ngân hàng, hoặc lừa đảo có mã giảm giá, chiết khấu cao giả mạo các sàn thương mại điện tử để dụ dỗ nạn nhân.

Ngoài ra kẻ xấu còn giả danh công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đây là hình thức không mới, đã xuất hiện từ những năm trước đây, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ tin học như hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để thực hiện thủ đoạn một cách tinh vi hơn.

Điểm chung của các hình thức lừa đảo này là kẻ gian đều sử dụng tài khoản ngân hàng để lừa nạn nhân chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt.

Các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ khiến người tiêu dùng - nhất là những người có tài khoản ngân hàng, người có sổ tiết kiệm cũng hoang mang, lo lắng.

Anh Vũ Minh Hiệp (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nói: "Ngân hàng số rất tiện dụng. Thế nhưng ngày càng thể hiện nhiều mối nguy, có thể khiến khách hàng mất trắng tài sản chỉ trong chớp mắt. Rất nhiều lần tôi nhận được những cuộc điện thoại của người lạ biết rõ thông tin tài khoản ngân hàng của mình, thậm chí là cả thông tin cá nhân từ địa chỉ, tên, tuổi… thì thực sự quá hoang mang. Với thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu, tôi e rằng ai nhẹ dạ khó lòng có thể thoát bẫy của chúng. Nên hiện giờ tôi thực sự lo ngại việc sử dụng tài khoản ngân hàng số".

Chị Nguyễn Thu Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Từ khi thấy tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng ngày càng tăng, tôi không bao giờ để nhiều tiền trong tài khoản, có là rút hết ra, nhằm tránh rủi ro".

Ngoài việc sợ mất tiền trong tài khoản, nhiều người dân cũng không yên tâm khi có tiền gửi sổ tiết kiệm, gần đây có những trường hợp bị đe dọa, dụ rút sổ tiết kiệm gửi vào tài khoản khác rồi chiếm đoạt.

Đơn cử như vừa qua, tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình một người dân bị lừa gần 400 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận tại một vùng quê. Bởi từ trước đến nay, tại xã này chưa bao giờ người dân bị lừa đảo một cách tinh vi như thế.

Cụ thể, bà C. (68 tuổi) trú tại thôn Bồ Trang 2, xã Quỳnh Hoa bị đối tượng lạ gọi điện tự xưng là “Thanh tra Chính phủ”. Họ nói rằng nghi ngờ khoản tiền bà gửi ngân hàng có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền đến một số tài khoản được chỉ định để “xác minh sự việc”. Sau đó, đối tượng giả danh Thanh tra Chính phủ tiếp tục gọi điện để tra hỏi thông tin. Biết được bà C. có sổ gửi tiết kiệm ngân hàng, người này yêu cầu bà rút tiền tiết kiệm chuyển đến một số tài khoản được chỉ định để “công an xác minh”. Đồng thời nói ngân hàng nơi bà C. gửi sổ tiết kiệm sắp bị thanh tra, nếu không rút sẽ bị mất trắng…

Đối tượng giả danh Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu bà C. không được nói cho ai biết, nếu người thứ ba biết cả gia đình bà sẽ bị bắt. Bà C. luôn trong tâm trạng bất an mà không dám chia sẻ cùng ai.

Sau đó, lo sợ gia đình bị bắt, bà C. đã đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Quỳnh Phụ rút hết số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng chuyển vào số tài khoản của bọn lừa đảo cung cấp. Sự việc diễn ra trong 2 ngày, sau khi chuyển hết số tiền tiết kiệm bà C. mới nhận ra mình bị lừa.

Chia sẻ với PV, chồng bà C. cho biết, số tiền bị lừa rất lớn đối với vợ chồng ông, bao năm dành dụm tiết kiểm để hưởng già thì “tai họa” lại ập đến với vợ chồng ông. Mặc dù rất buồn nhưng ông vẫn luôn động viên vợ “của đi thay người” và sẵn sàng chia sẻ cách thức của bọn lừa đảo để mọi người tránh “tai họa” như vợ ông.

Những vụ lừa đảo như trường hợp của bà C. không phải hiếm. Gần đây tại Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng xảy ra các trường hợp lừa đảo tương tự, một số vụ may mắn được nhân viên ngân hàng phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?

Trước thực trạng trên, không chỉ người dân bức xúc mà các chuyên gia cũng chỉ rõ những bất cập trong quản lý của các ngân hàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Khó có thể nói là ngân hàng đứng ngoài cuộc, hoàn toàn không liên quan đến tệ nạn này. Hiện ngân hàng nào cũng khuyến khích khách mở tài khoản, mở càng nhiều càng tốt, một người thậm chí có thể có nhiều tài khoản tại một ngân hàng. Như vậy, việc quản lý liệu có dễ dàng, hiệu quả không? Tôi nghĩ rằng ngân hàng phải kiểm soát thật chặt các khách hàng mở tài khoản và cần phải có công cụ bảo mật thật tốt, đồng thời cũng nên hạn chế mở tài khoản, bởi vì mở mà không sử dụng hoặc được mở quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mua bán tài khoản nhiều. Việc này, ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát và làm được".

Ở góc nhìn pháp lý, trao đổi với phóng viên PetroTimes, luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TAT Law Firm) phân tích: Hiện nay, có vô số hình thức lừa đảo qua mạng để đánh cắp, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng của người dân. “Bị lừa chuyển tiền qua ngân hàng” là chuyện thường gặp trong cuộc sống, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, rất khó xác định trách nhiệm của ngân hàng liên quan đến các tài khoản này. Bởi vì nhiều trường hợp cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ, mới có căn cứ để xác định trách nhiệm của ngân hàng nếu có. Theo đó, ngân hàng có trách nhiệm phối hợp, xác định các thông tin của chủ tài khoản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để tìm ra những kẻ lừa đảo.

Luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TAT Law Firm)

Trả lời câu hỏi "Nếu ngân hàng để lộ thông tin của khách thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Người dân có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường không?", Luật sư Lê Thu Hằng cho biết: Trong trường hợp có tài liệu chứng cứ chứng minh ngân hàng để lộ thông tin của khách hàng và bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ gây thiệt hại về tài sản thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với ngân hàng.

Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng nêu rõ: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 Nghị định này và pháp luật có liên quan”. Như vậy, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp.

Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng hay thực hiện bất kỳ hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin khách hàng.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan đều ghi nhận các chế tài mà các tổ chức tín dụng sẽ phải gánh chịu tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng có quy định về việc khách hàng có thể bảo vệ mình trong trường hợp có vi phạm xảy ra. Theo đó, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Thu Hằng cho biết thêm, người dân có đầy đủ hành lang pháp lý để khởi kiện, tố cáo, đòi lại số tiền bị lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế còn gặp một số trở ngại do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài hoặc sử dụng công nghệ cao thông qua các máy chủ ở nước ngoài nên việc xác định tội phạm mất nhiều thời gian, công sức và nhiều trường hợp không có căn cứ xử lý. Cũng có trường hợp đối tượng lừa đảo bị phát hiện nhưng đã bỏ trốn hoặc không có tài sản để thi hành án thì người dân khó có thể nhận lại được tài sản của mình.

Do đó, luật sư Hằng khuyến cáo: Người dân cần phải tỉnh táo trong các cuộc điện thoại, nâng cao cảnh giác trước mọi quyết định chuyển tiền trực tuyến cho bất kỳ ai. Hơn ai hết, trước khi ngân hàng vào cuộc và được pháp luật bảo vệ, bản thân người dân phải tự bảo vệ tài sản của mình. Để lấy lại tài sản bị mất, người bị hại có thể làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an nơi bị hại đã chuyển tiền hoặc biết nơi cư trú, làm việc của cá nhân đó.

Về phía ngân hàng cần rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, yêu cầu cán bộ không được mở tài khoản thanh toán theo danh sách khách hàng lập sẵn. Phải tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin khách hàng, tăng cường khả năng phối hợp và xử lý thông tin liên quan đến các vụ việc khiếu kiện của ngân hàng hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng phát hiện tội phạm để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản ngân hàng.

Bạn đang xem bài viết Hàng loạt vụ lừa đảo qua chuyển khoản: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu? tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.