Bộ Nội vụ vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.
Về kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết nêu rõ ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỉ đồng cho một tỉnh giảm sau sáp nhập; 500 triệu đồng cho một xã giảm sau sáp nhập.
Bộ Nội vụ đề xuất nguồn ngân sách này sẽ được bố trí cho ngân sách địa phương năm 2026.
Về kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, theo tờ trình, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới. Số lượng này sẽ giảm dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị quyết về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết quy định thời hạn bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 6 tháng kể từ thời điểm sắp xếp. Sau thời hạn này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ theo vị trí việc làm mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với các chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực và theo đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng giữ nguyên chế độ, chính sách đang áp dụng với phạm vi, đối tượng như trước thời điểm sắp xếp.
Dự kiến có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp.
Trong số này, có 4 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
48 tỉnh gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.
Dự kiến 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên, gồm: TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.