Kè Phú Mỹ thuộc địa phận thôn Đức Ninh, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nguyên nhân về việc sạt lở tại khu vực này được xác định là do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và các đợt vận hành xả lũ của hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình (Theo báo cáo số 395/BC-UBND ngày 31/7/2024 của UBND huyện Kim Động).
Đặc biệt, khu vực hạ lưu tuyến kè có chiều dài khoảng 300m đã xuất hiện sạt lở từ những năm trước, hiện nay tiếp tục bị sạt lở theo hướng đứng thành lấn sâu vào bãi sông, vị trí lấn sâu nhất vào bãi sông khoảng 36m, gây sụt, lún mái kè.
Với những sự cố trên nếu không được xử lý sẽ có khả năng tiếp tục sạt lở mở rộng thêm, ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân thôn Đức Ninh.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương thông báo trên các phương tiện truyền thông về tình trạng sự cố; cắm biển cảnh báo sự cố, cấm người và gia súc qua lại vị trí sự cố; tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra, theo dõi, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam yêu cầu: Để bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, phòng chống thiên tai trong mùa lũ, bão năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt, bão tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế nhằm đánh giá nguyên nhân gây ra sự cố và thiết kế xử lý khắc phục sự cố trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tổ chức lựa chọn các nhà thầu tham gia xử lý, khắc phục sự cố theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện ngay nhằm khắc phục sự cố công trình. UBND huyện Kim Động chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ kè theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; thông báo trên các phương tiện truyền thông về tình trạng sự cố; cấm người và gia súc qua lại vị trí sự cố; thống kê thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.