Suốt mấy ngày qua người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy bất ngờ, gây thiệt hại lớn về người và của. Có những gia đình không còn người nào sống sót. Nhiều nạn nhân là học sinh, sinh viên.
Thảm họa nào thì cũng đau thương, là mất mát lớn không gì có thể bù đắp được, nhưng người xưa nói “nhất thủy, nhì hỏa”, nghĩa là, thảm họa do “giặc thủy”, “giặc hỏa” thường diễn ra rất nhanh, tàn khốc, khó lường và để lại hậu quả lâu dài.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đã đến hiện trường thăm hỏi các gia đình nạn nhân và chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các đồng chí lãnh đạo nhấn mạnh, cần tập trung cứu chữa người bị nạn, hỗ trợ các gia đình gặp nạn, khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý những tổ chức, cá nhân liên quan, không để những vụ hỏa hoạn tương tự lặp lại.
Sau tai họa đau thương này, càng thấy rõ một điều, công tác quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy ở nhiều nơi còn bị buông lỏng. Chủ căn chung cư mini này đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Và những vi phạm trong xây dựng bước đầu được làm rõ.
Sai phạm lớn nhất là xây dựng vượt số tầng. Cụ thể, theo Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD, ngày 11-3-2015, thì diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4m2; mật độ xây dựng: 70%; tổng diện tích sàn xây dựng: 1165,9m2; tổng chiều cao công trình là 20,2m (không tính tum thang). Giấy phép xây dựng cũng cấp phép cho công trình được xây 06 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Thế nhưng chung cư mini này đã được xây dựng trên 100% diện tích, với 10 tầng trong đó có 1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum.
Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, khoảng 150 cư dân ở 45 căn hộ (đã mua hoặc thuê nhà ở) hầu hết đã đi ngủ. Khi khói lửa bốc cao, mọi người vội lao ra cửa thoát thân, nhưng do số người quá đông, thang bộ chen cứng người, cho nên các nạn nhân đã không thoát khỏi bàn tay giặc lửa. Giá như số tầng nhà xây theo đúng quy định? Giá như số cư dân ở đây không quá đông như thế? Giá như các hộ dân đều làm cửa thoát hiểm? Giá như nhà ai cũng có bình cứu hỏa; mặt nạ chống độc; chăn mền chống cháy; thang dây thoát hiểm....
Nhưng tất cả những “giá như” ấy đều đã quá muộn!
Trong tình huống vô cùng nguy cấp, nhưng xe chữa cháy không thể vào sát chân tòa nhà, phải đỗ cách hiện trường hơn 300 mét, lực lượng chức năng phải dân vòi rồng vào sâu trong ngõ tìm cách dập lửa.
Bây giờ chúng ta bình tĩnh xem nguyên nhân gốc rễ của tai họa này đến từ đâu. Rút ra bài học xương máu không bao giờ là muộn.
Mươi mười lăm năm nay, không chỉ ở Hà Nội mà tại nhiều thành phố khác xuất hiện nhiều chung cư mini cho thuê, hoặc bán đứt. Khách thuê chủ yếu là sinh viên các trường đại học, công nhân lao động ở các vùng nông thôn đổ về. Xây nhà cho thuê, tiền vốn không nhiều, thu lời nhanh, cho nên nở rộ loại hình nhà chung cư như những bao diêm khổng lồ chất chồng lên nhau.
Khi nhà cao tầng chen chúc khiến cho thiết kế quy hoạch bị phá vỡ, gây mất mĩ quan và mất an ninh, trật tự. Ngay ở Hà Nội, nhiều khu vực nội thành đua nhau xuất hiện các chung cư ngất ngưởng nằm trong các ngõ, ngach sâu, và xem ra hầu hết không bảo đảm các tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ.
Điều đáng lo ngại là, theo Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì, chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ. Điều này vô hình trung cho phép loại hình chung cư mini được “luật hóa”, chả có gì khác căn hộ chung cư bình thường. Nếu dự thảo Luật này được thông qua thì có thể bật đèn xanh cho nhà đầu tư tìm mua các lô đất ở kề cận để hợp thửa, xây chung cư mini để bán. Tình trạng lộn xộn sẽ tiếp tục xảy ra. Đương nhiên, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng không bảo đảm.
Một vấn đề khác, mấy năm qua hầu hết các vụ cháy nổ thường do chập cháy điện. Vụ cháy chung cư mini trong hẻm 29/70 Khương Hạ cũng do sạc điện. Mật độ dân cư quá đông, trong khi hạ tầng không đáp ứng được, khi nhiều xe máy, xe đạp điện cùng cắm sạc qua đêm tại chỗ để xe mà đường dây không đủ tải, sẽ dẫn đến nguy cơ gây hỏa hoạn. Vậy nhưng, ở nhiều nơi đã bỏ qua cái lỗi chết người này! Vụ cháy chung cư mini đêm 12/9 là do không cẩn trọng khi sử dụng điện, không quản lý chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Theo lời ông bảo vệ tòa nhà thì khi thấy xe bốc cháy, ông đã dùng bình chữa cháy xịt bọt foan rất mạnh, nhưng không thể dập tắt được ngọn lửa bùng lên dữ dội và lan nhanh sang cả hầm để xe. Ông hốt hoảng kêu gọi ứng cứu nhưng đã quá muộn.
Lâu nay khi thực hành phòng cháy,chữa cháy, nhiều người có thể nói trơn tru về: phương châm 4 tại chỗ: “lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, chỉ huy trong dân và hậu cần trong dân”. Rồi tổ chức diễn tập, xây dựng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” khu dân cư, tổ dân phố, v.v..
Đấy là “nói”, còn “làm” thì còn có khoảng cách, thậm chí khoảng cách rất lớn.
Đúng là cái khoảng cách “chết người”! Nói đi đôi với làm. Kiểm tra xử lý thường xuyên, nghiêm minh, xử lý rốt ráo từ gốc là bài học phải hâm nóng thường xuyên, không một phút xao lãng.