Khu vực Địa Trung Hải đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Từ đầu năm 2024, Tây Ban Nha ghi nhận nắng nóng kỷ lục và hạn hán diện rộng. Cơ quan cấp nước Catalonia dự báo nguồn nước của vùng này sẽ giảm 18% trước năm 2050.
Để ứng phó với tình trạng hạn hán, khan hiếm nước, thành phố Barcelona của Tây Ban Nha đã cho nhà máy khử mặn nước biển thành nước ngọt lớn nhất châu Âu là Llobregat hoạt động hết công suất để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Nhưng lượng nước đó cũng không đủ trong tình cảnh Barcelona đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.
Nhà chức trách cho rằng, nhà máy khử mặn nổi là giải pháp kinh tế và bền vững về mặt môi trường hơn vận chuyển nước. Chính vì thế, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ lắp đặt một nhà máy khử mặn nổi ở cảng Barcelona. Cơ sở sẽ đi vào hoạt động nếu hệ thống thu gom nước của vùng Catalonia tiến vào giai đoạn hạn hán khẩn cấp độ 2, dự kiến trước tháng 10. Giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp là khi các hồ dự trữ hạ thấp dưới 10,95%. Trong trường hợp đó, mức tiêu thụ nước sẽ bị hạn chế ở 180 lít nước/người/ngày. Nhà chức trách lên kế hoạch sử dụng tổng cộng 13 cơ sở khử mặn gồm 12 cơ sở di động ở vùng Costa Brava thuộc miền Bắc và nhà máy nổi lắp đặt ở thành phố Barcelona.
Nhà máy khử mặn nổi sẽ trang bị mọi công nghệ cần thiết, sản xuất khoảng 6% lượng nước tiêu thụ của khu vực siêu đô thị Barcelona, vào khoảng 14 triệu m3 nước mỗi năm. Nước sản xuất sẽ được lưu trữ trong hồ chứa trước khi đưa vào mạng lưới phân phối. Đối với vùng Costa Brava, 12 nhà máy khử mặn di động có chi phí gần 10,7 triệu USD, có thể đáp ứng khoảng 35% nhu cầu cung cấp nước tại đây.
Theo Bộ trưởng hành động khí hậu, lương thực và nông thôn David Mascort, việc mua nhà máy khử mặn di động được tính toán dựa trên thời gian sử dụng 5 năm. Đây là thời gian cần thiết để các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng khác liên quan tới tài nguyên nước hoạt động.
Nhà máy khử mặn nổi không có chi phí neo đậu và không ảnh hưởng tới giao thông hàng hải. Cơ sở sản xuất khoảng 40.000 m3 nước/ngày, nhiều hơn gần 50% so với mức trung bình 25.000 m3 nước/ngày nếu vận chuyển bằng tàu. Chi phí sản xuất nước bằng nhà máy khử mặn nổi cũng rẻ hơn nhiều, chỉ 6,4 USD/m3 so với 10,7 USD/m3 khi dùng tàu vận chuyển.
Sau hơn 1.000 ngày hạn hán, chính quyền Barcelona thông báo tình trạng khẩn cấp. Hạn chế sử dụng nước ảnh hưởng tới 6 triệu người ở Barcelona và 200 thị trấn, tức hơn 1/2 dân số tỉnh. Hiện nay, cư dân Barcelona sử dụng 160 lít nước/người/ngày. Năm 2023, Chính phủ Tây Ban Nha thông qua kế hoạch 2,35 tỉ USD nhằm giúp nông dân và người tiêu dùng đối phó với hạn hán kéo dài.
Báo cáo mới từ chương trình Copernicus xác nhận châu Âu trải qua năm nắng nóng gần chạm mốc kỷ lục vào năm 2023 với cháy rừng nghiêm trọng. Nhiệt độ châu Âu ở trên mức trung bình suốt 11 tháng trong năm. Số ca tử vong liên quan tới nắng nóng ước tính tăng 94% ở các khu vực châu Âu nằm trong chương trình theo dõi.