Trên địa bàn TP HCM hiện có 55.446 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê có nguy cơ cháy nổ cao. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2024, TP HCM đã xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, 4 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Trong khi đó, có 64 vụ cháy chưa ước tính được thiệt hại. Các vụ cháy xảy ra phần lớn tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ) và công ty, doanh nghiệp (38/234 vụ).
Khảo sát tại một số nhà trọ trên địa bàn TP HCM, đa phần các phòng trọ nằm trong hẻm sâu, lối đi nhỏ hẹp không đủ rộng để cho phương tiện chữa cháy tiếp cận khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Các phòng trọ nằm san sát nhau, chỉ có duy nhất một cửa chính, một cửa sổ (có khung sắt) cùng nằm ở một vị trí, nếu xảy ra cháy thì người dân khó có thể thoát hiểm. Bên cạnh đó, tại một số nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố, chủ nhà còn ngăn phòng cho thuê với diện tích phòng nhỏ, không có lối thoát hiểm, nhiều vị trí trong nhà còn lắp thêm cầu thang xoắn ốc bằng sắt bên cạnh cầu thang bằng bê tông cốt thép để chia lối đi vào các phòng.
Dù vậy, người lao động nhập cư đến TP HCM vẫn “ưa chuộng” những căn phòng nhỏ hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, thay vì những căn phòng rộng rãi thoáng mát, đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy chỉ vì thu nhập thấp.
Chị Trần Thị Linh (quê Bình Định) hiện là công nhân tại một doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn quận Bình Tân (TP HCM) là một trong số hàng chục nghìn lao động nhập cư đến TP HCM phải thuê trọ sinh sống. Dù biết nguy hiểm luôn chực chờ từ những căn phòng xập xệ, hệ thống dây điện đã cũ, nhưng gia đình chị Linh cũng không biết làm gì hơn vì thu nhập mỗi tháng ngoài tiền trọ còn phải chi tiêu nhiều khoản từ ăn uống, lo cho con cái đến cha mẹ già ở quê. Do đó, gia đình chị Linh chỉ dám thuê căn phòng trọ nhỏ với giá hơn một triệu đồng/tháng để có chỗ tá túc mỗi khi hết ca làm việc.
Căn phòng trọ với diện tích hơn 10m2 vừa là nơi sinh hoạt, nấu nướng, vừa là nơi chứa tất cả các vật dụng, đồ đạc của cả gia đình. Diện tích hạn chế nên tất cả các ngóc ngách trong nhà đều được chất kín đồ đạc phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
“Biết là nguy hiểm nhưng lương công nhân không bao nhiêu không thể thuê những căn phòng tốt hơn”, chị Linh bộc bạch.
Còn chị Nguyễn Thị Liên (quê Đồng Tháp) - một lao động tự do, thuê căn phòng trọ nằm trong khu đất quy hoạch tại quận 6 với giá 2 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước) để làm nơi trú ngụ cho cả gia đình 3 người.
Chị Liên cho biết, chị thuê phòng ở đây được 8 năm, căn phòng không lớn, chiếc gác xép được đóng bằng những tấm ván cũ làm chỗ ngủ cho con. Dù biết căn phòng nhỏ bí bách, ẩm thấp và được dựng lên bằng vật liệu dễ cháy nhưng gia đình chị Liên không có ý định chuyển đi vì đi nơi khác không có việc (lột vỏ tỏi) để làm.
“Chồng tôi đi bán hàng rong, còn tôi lột vỏ tỏi mỗi ngày kiếm được hơn 150.000 đồng. Sống trong căn phòng như thế cũng lo lắm nhưng thu nhập thấp nên cũng phải chấp nhận”, chị Liên chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, toàn thành phố có hơn 60.000 dãy hoặc khu nhà trọ tập trung do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư với số lượng lên đến 600.000 phòng, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,8 triệu công nhân, người lao động từ các tỉnh, thành khác về sinh sống, làm việc. Trong đó, 60% là nhà trọ độc lập và 40% là phòng trọ người dân ngăn nhà cho thuê.
Về chất lượng, có trên 90% nhà trọ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động, công nhân thuê để sinh sống với diện tích 5m2/người. Tuy vậy, vẫn có khoảng 30% nhà trọ chưa đáp ứng nhu cầu về phòng cháy chữa cháy.