Ngày 2/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, vừa tổ chức “Hội thảo nhãn khoa và thành lập mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên, BVTW Huế 2022”.
Hội thảo nhằm đẩy mạnh các hoạt động lấy, ghép và điều trị sau ghép giác mạc, đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế giác mạc cho người dân thông qua việc điều phối giác mạc và liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện trong mạng lưới. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực chuyên môn về lấy, ghép giác mạc cho các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật (tại chỗ hoặc tại BVTW Huế).
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, cho biết: “Tại BVTW Huế, ghép giác mạc được triển khai từ năm 1999, đến nay đã ghép và mang lại thị lực cho 34 bệnh nhân. Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay công tác ghép tạng nói chung và ghép giác mạc nói riêng của bệnh viện đã dần hoàn thiện một cách chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các ngân hàng mắt trong, ngoài nước, nguồn cung cấp giác mạc trở nên phong phú hơn. Đặc biệt, sự thành lập Mạng lưới ghép giác mạc khu vực miền Trung - Tây Nguyên hy vọng sẽ cơ hội để bệnh viện nâng cao số lượng bệnh nhân được ghép giác mạc và phát triển các kỹ thuật ghép giác mạc mới. Trong thời gian đến, BVTW Huế sẽ đẩy mạnh lĩnh vực ghép tạng nói chung cũng như ghép giác mạc nói riêng và các kỹ thuật y học cao cấp khác để góp phần thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; Trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao” trong tình hình mới”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã chúc mừng những thành công BVTW Huế đạt được trong lĩnh vực ghép tạng, đặc biệt từ sau khi thành lập Trung tâm Ghép tạng và phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng tháng 8/2019.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc mong muốn trong thời gian đến tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng số lượng các ca ghép tạng, mô để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỉ lệ tử vong cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý tạng giai đoạn cuối. Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động của trung tâm, đặc biệt là điều phối nguồn tạng, mô hiến, tặng.
Tại hội thảo, Mạng lưới ghép giác mạc khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 12 bệnh viện đã ra mắt và ký kết bản ghi nhớ tham gia các nhiệm vụ trong mạng lưới.
Dịp này, BVTW Huế đã trao tặng bộ dụng cụ lấy giác mạc cho các bệnh viện trong mạng lưới; Chủ tịch Hội Nhãn Khoa Việt Nam đã trao Bằng khen của Hội cho Trung tâm Mắt – BVTW Huế. Hội thảo gói gọn trong một ngày với các bài báo cáo về lĩnh vực ghép giác mạc vào buổi sáng và đào tạo thực hành lấy giác mạc vào buổi chiều.
Ghép tạng là một trong 10 thành tựu khoa học lớn nhất của thế kỷ 20. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với các bệnh lý tạng giai đoạn cuối. Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt nhất là chất lượng cuộc sống.
Phẫu thuật ghép tạng tại BVTW Huế bắt đầu từ năm 2001 với ca ghép thận đầu tiên, tạo bước ngoặt mới trong lịch sử ghép tạng Việt Nam. Hành trình hơn 20 năm đã ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực: hơn 1.200 bệnh nhân được ghép thận thành công; thực hiện nhiều ca ghép tim xuyên Việt, trong đó ca ghép tim xuyên Việt ngày 6/5/2022 đã xác lập hai kỷ lục, thời gian từ khi lấy tim đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất; thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não ngày 31/8/2019; Bệnh viện cũng là cơ sở đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là thứ hai trong cả nước thực hiện kỹ thuật Ghép tế bào gốc ở trẻ em.
Bệnh lý giác mạc là nguyên nhân gây mù đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Ước tính hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 30.000 người bị mù do bệnh giác mạc (2019). Những người này có thể nhìn thấy ánh sáng nếu được ghép giác mạc.
Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có khoảng 200 người đang đợi ghép giác mạc do sẹo giác mạc. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc.