Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động để tránh "sụp đổ khí hậu"

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới đưa ra những hành động khẩn cấp và thực chất trong năm 2025 để tránh "sự sụp đổ khí hậu".

Năm 2024 ghi nhận nhiều kỷ lục thời tiết đáng buồn, đây là năm có mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận, kỷ lục nhiệt độ tại nhiều nước bị phá vỡ, những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm cũng xuất hiện.

 Người đàn ông đi trong dòng nước siết do bão Helene hồi cuối tháng 9/2024 tại Mỹ.

Có thể thấy, đây là lời báo động cho việc hành tinh chúng ta đang đối mặt tình trạng biến đổi khí hậu ngày trầm trọng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách khác nhau (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt… Những hiện tượng này ảnh hưởng đến những yếu tố mà chúng ta phụ thuộc và coi trọng như nguồn nước, năng lượng, giao thông, động vật hoang dã, nông nghiệp, hệ sinh thái và sức khỏe.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng con người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, một phần do biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên kém. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang đẩy chu kỳ nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng. Lượng mưa, nguồn nước ngọt, không còn đáng tin cậy do tình trạng biến đổi khí hậu và thay đổi mục đích sử dụng đất mà con người gây ra, làm suy yếu nền tảng phát triển của con người và nền kinh tế toàn cầu", Johan Rockstrom, giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, đồng chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, cho biết.

Trước những dấu hiệu đáng lo ngại này, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới đưa ra những hành động khẩn cấp và thực chất trong năm 2025 để tránh "sự sụp đổ khí hậu".

"Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai xa mà là một cuộc khủng hoảng hiện hữu, đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Những kỷ lục bị phá vỡ trong năm 2024 là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng hành động ngay lập tức là cần thiết", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nêu rõ.

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh năm 2025 sẽ là năm quyết định cho tương lai hành tinh. Nếu không có hành động cụ thể và đồng bộ, các hệ quả sẽ ngày càng nghiêm trọng và khó đảo ngược hơn.

Các chuyên gia cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều và mọi quyết định chậm trễ đều sẽ để lại hậu quả không thể lường trước được.

"Năm 2025, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chung tay để tạo ra sự thay đổi thực sự. Từng hành động nhỏ, từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đến việc ủng hộ các chính sách xanh, đều góp phần bảo vệ hành tinh cho thế hệ mai sau.

Cơ hội để thay đổi vẫn còn, nhưng chúng ta phải hành động ngay hôm nay để đảm bảo một tương lai bền vững và an toàn cho mọi loài trên Trái Đất", ông António Guterres cho biết.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan trong tháng 11, các nước phát triển đã đồng ý nâng mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm thành 300 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035, để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn tài chính khí hậu 300 tỉ USD này sẽ được huy động cả từ khối công lẫn tư nhân ở các nước giàu có để chuyển đến các quốc gia nghèo hơn, để giúp đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt và chuyển đổi nền kinh tế sang sử dụng năng lượng sạch.

Số tiền cam kết vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 1.300 tỉ USD/năm mà các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh là cần thiết để hỗ trợ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng một số chuyên gia nhận định đây là bước khởi đầu đáng ghi nhận.

Bạn đang xem bài viết Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động để tránh "sụp đổ khí hậu" tại mục Thế giới do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.