Do ảnh hưởng của bão số 3 (từ ngày 6/9 đến ngày 9/9/2024) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc; mưa to từ thượng lưu sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn kết hợp mưa lớn trong khu vực tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên, tình hình mưa lũ trên sông Cầu trong 12h qua tại trạm thủy văn Gia Bẩy lũ đã đạt đỉnh, đỉnh lũ xuất hiện vào lúc 1h 10/9/2024 đạt mức 2881 cm. Đỉnh lũ này cao hơn 73 cm so với đỉnh lũ lịch sử xuất hiện vào ngày vào ngày 5/7/2001 (HLS:2808 cm) và cao hơn 181 cm so với Báo động cấp 3 (BĐIII: 2700cm).
Vào lúc 7h 10/9/2024 lũ đạt mức 2864 cm (đã giảm 17 cm so với đỉnh lũ), ở mức cao hơn 56 cm so với trận lũ lịch sử xảy ra vào ngày 5/7/2001 và cao hơn 164 cm so với Báo động cấp III. Tại trạm thủy văn Chã lúc 7h 10/9/2024 mực nước lũ ở mức 966cm, thấp hơn 34 cm so với báo động cấp III (BĐI: 1000cm) và tiếp tục có xu thế tăng.
Mực nước lũ trong sông lên cao, đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của nhiều vùng dân cư sinh sống dọc theo hai bờ sông Cầu.
Cụ thể, ngập úng các vùng trũng thấp, vùng ven sông Cầu tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Phổ Yên và TP.Thái Nguyên. Ngập úng tại một số tuyến đường, khu dân cư trung tâm Thành phố Thái Nguyên: Khu vực các phường Quang Vinh, Đồng Tâm, Trưng Vương, Túc Duyên, Cao Ngạn, Cam Giá; Khu vực Ngã tư Tư san nền, Ngã Năm tỉnh ủy, đường Hùng Vương và một số tuyến phố chính…. nước lũ dâng cao gây ngập úng với độ sâu ngập lớn nhất từ 0,3-0,5m, có nơi cao hơn 0,7m; thời gian ngập phổ biến từ 12-24 giờ, có nơi thời gian ngập úng lâu hơn;
Trong 24 giờ tới, trên sông Cầu tại trạm thủy văn Gia Bẩy lũ tiếp tục có xu thế giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tại trạm thủy văn Chã lũ tiếp tục tăng và có khả năng đạt mức trên báo động cấp 3 (BĐIII: 1000 cm) vào chiều tối nay 10/9/2024.
Đây là trận lũ có diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ mưa lớn cục bộ ở phía thượng lưu. Do vậy làm gia tăng mức độ ngập lụt ven sông kéo dài, có nguy cơ sạt lở bờ sông, đê bao, gây ngập úng vùng trũng thấp và hầu hết các khu vực thuộc trung tâm thành phố Thái Nguyên. Có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải.
Để đảm bảo kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương cũng các phương tiện thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê tại 5 vị trí khu vực thành phố Thái Nguyên (tổng chiều dài khoảng 170m) để đảm bảo khả năng chống lũ của tuyến đê.