Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 8/9, 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá bị chìm, trôi dạt. Hơn 1.100 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng và cuốn trôi. Tại Vân Đồn, thời điểm tháng 9 cũng là lúc thu hoạch cá thịt và hàu, nhưng cơn bão đã cướp đi thành quả lao động của người dân, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Tại cảng cá Cái Rồng (Quảng Ninh) - một trong những nơi cung cấp thủy sản lớn nhất miền Bắc, bão đã làm cho nhiều tàu thuyền đánh bắt, lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi và mất trắng.
Theo báo cáo nhanh của Hải Phòng, sơ bộ đến 12h ngày 8/9, mưa bão làm 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Các phương tiện neo đậu ở khu tránh trú bão được đảm bảo an toàn.
Còn tại Thái Bình, bão số 3 đã làm 42 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Trên địa bàn tỉnh có tổng 995 tàu thuyền đã được neo đậu ở các bến trong và ngoài tỉnh an toàn trước khi bão đổ bộ. Toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với hơn 1.200 lao động canh coi ở các bãi ngao, 1.128 đầm với 1.617 lao động ở các vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản ở các huyện ven biển, Thái Thụy, Tiền Hải. Tất cả số lao động này đã di rời vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tại Nam Định, bão số 3 đã làm 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Tại HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Bình thông tin, trước khi bão đổ bộ, HTX có 12,5ha nuôi trồng, gồm 4 tấn cá hồng Mỹ, 2 tấn tôm, 6 tấn ốc hương. Riêng cá thịt, giá thị trường hiện tại khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Bão vào kèm mưa lớn, gió giật khiến nước trong ao đầm bị tràn, thiết bị phục vụ sản xuất bị hư hỏng, ước tính thiệt hại rất lớn.
Lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy (Nam Định) cho hay, toàn huyện có 200ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó, 2 bể nuôi tôm thẻ bị chết.