Sẽ có 70 trung tâm đăng kiểm buộc dừng hoạt động
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện trên cả nước đang có 277/293 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) với 519/545 dây chuyền kiểm định đang hoạt động đủ đáp ứng nhu cầu kiểm định. Tuy nhiên, việc phân bổ mật độ các TTĐK không đồng đều, dẫn đến có nơi thiếu, nơi thừa.
Bên cạnh đó, đến nay đã có hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, trong số này, nhiều đăng kiểm viên là đảng viên bị khởi tố phải bị kỷ luật khai trừ Đảng và buộc thôi việc, nhiều đăng kiểm viên đã xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc, chỉ còn số ít đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng không là đảng viên đang được tại ngoại vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Đặc biệt, vẫn còn trung tâm đăng kiểm đang bị điều tra, xác minh, dự báo thời gian tới sẽ có thêm lãnh đạo và đăng kiểm viên bị khởi tố.
Trong các tháng tới, các vụ án được đưa ra xét xử cùng thời điểm sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định bởi theo quy định của Nghị định 30/2023/NĐ-CP, các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và không thể tiếp tục tham gia hỗ trợ cho hoạt động kiểm định.
Đối với trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 70 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động, sẽ gây ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không chủ động có phương án tháo gỡ.
Nỗi lo quá tải trong những tháng tới
Trong bối cảnh trên cùng với nhu cầu kiểm định lượng phương tiện gia tăng trong thời gian tới (từ tháng 4-7 và các tháng cuối năm 2024), cả nước sẽ có 31 địa phương ùn tắc phương tiện đến kiểm định, bao gồm Bắc Kạn, Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.
Trong đó, có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình. Ngoài ra, các tỉnh/thành phố khác cũng có thể bị ảnh hưởng do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc di chuyển về để kiểm định.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết theo dự báo của Sở GTVT, nhu cầu kiểm định xe cơ giới trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu tăng cao trở lại vào những tháng đầu năm 2024. Đối với vụ án đăng kiểm, TP.HCM dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 100 đăng kiểm viên. Từ cuối năm 2023, Sở GTVT đã có công văn đề nghị 2 doanh nghiệp lớn xem xét việc sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các TTĐK xe cơ giới của đơn vị mình (mỗi đơn vị phát triển từ 1 đến 2 trung tâm).
Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị các đơn vị trên xem xét rà soát đội ngũ nhân viên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, đăng ký tham gia các lớp đào tạo đăng kiểm viên ngắn hạn do Cục Đăng kiểm VN tổ chức nhằm bổ sung, tăng cường lực lượng đăng kiểm viên tại các TTĐK trên địa bàn TP.HCM trong trường hợp thiếu hụt nguồn nhân sự. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp này vẫn chưa có xác nhận đồng ý.
Ông Bùi Hòa An thừa nhận chưa rõ lý do tại sao các doanh nghiệp không tham gia đăng kiểm nhưng Sở cũng không thể can thiệp được. "Các doanh nghiệp có lẽ cân nhắc bài toán kinh doanh, chưa rõ hiệu quả nên còn chưa tham gia. Trong khi đó, danh sách 33 đăng kiểm viên mới của TP.HCM cũng chưa được Cục Đăng kiểm tổ chức thi sát hạch nên khả năng thiếu hụt nhân sự vẫn còn nguyên", ông An lo lắng.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 28 TTĐK với 53/59 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Với số lượng các TTĐK như hiện tại có thể đáp ứng kiểm định cho khoảng 67.680 xe/tháng. Trong khi đó, vào tháng 4, số lượt xe dự kiến đến kiểm định là gần 77.400 xe, các trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 87%; Tháng 5 là hơn 90.700 xe, đáp ứng khoảng 74% nhu cầu và trong tháng 6 là gần 87.000 xe, các trung tâm chỉ có thể đáp ứng khoảng 77%. Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, khi hết thời hạn giãn chu kỳ đăng kiểm theo Thông tư số 08/2023, số xe phải đi kiểm định sẽ tiếp tục gia tăng.
Số lượng đăng kiểm viên hiện có của các trung tâm là 226 người, đang vận hành 53 dây chuyền. Trong đó, có 143 đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định. Sở GTVT Hà Nội nhận định thời gian tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm khi tòa án đưa vụ án sai phạm liên quan đăng kiểm ra xét xử.
Theo quy định mới nhất về thời hạn đăng kiểm xe ô tô, xe con không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng. Sau đó, cứ mỗi 18 tháng 1 lần. Khi đủ 7 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm sẽ rút ngắn còn 12 tháng. Nếu xe có tuổi thọ hơn 12 năm kể từ ngày sản xuất thì chu kỳ giảm còn 6 tháng một lần.