Nhà thầu 'khóc ròng' vì tư vấn an toàn lao động cho dự án The Arena, Khánh Hòa

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã có Văn bản số 4604/SXD-Ttra gửi Tạp chí Người Xây dựng cung cấp thông tin pháp lý về dự án The Arena tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh do Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư.

Loại bỏ “đất ở không hình thành đơn vị ở”

Trong quá trình giám định, phản biện, tư vấn đối với các dự án Codotel (đất ở không hình thành đơn vị ở), nhiều thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận thấy việc điều chỉnh loại “đất ở không hình thành đơn vị ở” sang “đất thương mại dịch vụ” đang nảy sinh nhiều vấn đề. Riêng tỉnh Khánh Hòa, có hàng chục dự án phải chỉnh quy hoạch theo hướng xóa bỏ loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”, trong đó có The Arena.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa thông tin cho biết, Sở đang đề nghị các nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Hiện, Khánh Hòa có 17 dự án đã được điều chỉnh, loại bỏ nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến dự án và 13 dự án khác cũng được điều chỉnh, loại bỏ một phần trong các văn bản pháp lý có liên quan.

Dự án The Arena tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh do Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 50 dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở”, tập trung chủ yếu ở TP Nha Trang, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh. Trong khi đó, Luật Đất đai không có loại hình "đất ở không hình thành đơn vị ở".Trước đó, năm 2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với "đất ở không hình thành đơn vị ở" (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ condotel) tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.

Ngày 23/2/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các tổ chức có loại hình "đất ở không hình thành đơn vị ở" khẩn trương thực hiện điều chỉnh, loại bỏ hình thức này ra khỏi các văn bản pháp lý.

Đến tháng 9/2023, để tránh các giao dịch phát sinh liên quan đến "đất ở không hình thành đơn vị ở" trên địa bàn, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các địa phương dừng các thủ tục liên quan đến loại hình đất này cho đến khi được điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai, không còn từ “đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Ai nợ tiền nhà thầu?

Trong Văn bản số 4604/SXD-Ttra của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa gửi Tạp chí Người Xây dựng cho biết: “Dự án The Arena được Sở Xây dựng cấp các Giấy phép xây dựng số 20/GPXD ngày 10/2/2013, 17/GPXD ngày 04/2/2013 và 89/GPXD-SXD ngày 15/11/2019. Dự án đã được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng tại các Văn bản số 102/GĐ-GDD3/HT ngày 01/6/2021, 14 GĐ-GDD3/HT ngày 26/01/2022 và 132/GĐ-GDD3/HT ngày 20/10/2022”.

Cũng theo Sở Xây dựng: “Dự án The Arena đã được Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh “đất không hình thành đơn vị ở” thành “đất thương mại dịch vụ” tại Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 12/6/2020”.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều khách hàng/chủ sở hữu gửi đơn tố cáo hành vi “lừa dối khách hàng” của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh. Đồng thời, khách hàng/chủ sở hữu còn khiếu nại việc chủ đầu tư áp phí quản lý, phí dịch vụ … quá cao, họ vẫn phải nộp 1 khoản “bù lỗ” cho đơn vị vận hành, hạn chế quyền tự do ra vào… Về nội dung này, Sở Xây dựng cho biết: “Dự án Arena có mục tiêu là khu đô thị sinh thái biển kết hợp dịch vụ du lịch tổng hợp và dịch vụ thương mại, không phải là dự án nhà ở nên công tác quản lý, vận hành dự án không bị điều chỉnh bởi Luật Nhà ở; do đó, các chi phí quản lý, phí dịch vụ… được thực hiện theo thỏa thuận của chủ đầu tư và khách hàng…”.

Đặc biệt, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động TP. Hồ Chí Minh (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM) phản ánh: Năm 2018, 2019, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và Công ty CP ACC Phát triển Công nghệ (địa chỉ: 178 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thúy làm Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật có ký kết các Hợp đồng số 275/HĐ-VKAVH ngày 04/9/2018 và Hợp đồng số 97/HĐ-VKAVH ngày 01/4/2019 để Tư vấn, hỗ trợ giám sát an toàn lao động trên công trình xây dựng và huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại dự án The Arena.

Sau khi ký kết hợp đồng, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động đã thực hiện các công việc theo đúng thỏa thuận, tuy nhiên, phía Công ty ACC lại chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Theo phản ánh của Viện, Công ty ACC vẫn còn nợ số tiền của họ là gần 827 triệu đồng. Ngày 21/1/2022, phía Công ty ACC cũng có Văn bản số 04.22/ACC.TD-CT về việc gia hạn thanh toán công nợ đến ngày 30/5/2022. Tại văn bản do bà Nguyễn Thị Thúy ký, Công ty ACC nêu lý do: “… Công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi đại dịch xảy ra và kéo dài, nên việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn, toàn bộ dòng tiền từ chủ đầu tư Dự án The Arena và các dự án khác cũng bị chậm lại. Trong những tháng tới chúng tôi chưa có nguồn thu và hiện tại chưa có công trình gối đầu nên rất khó khăn…”.

Tuy nhiên, sau đó Công ty ACC không thực hiện nội dung cam kết như thông báo gia hạn. Hiện nay, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động đang gặp vô vàn khó khăn vì khoản nợ khi thực hiện hợp đồng tư vấn an toàn lao động cho Dự án The Arena.

Phóng viên Tạp chí Người Xây dựng cũng đã gửi đề nghị được thông tin đến chủ đầu tư Dự án The Arena là Công ty Cổ phần Trần Thái Cam Ranh và Công ty CP ACC Phát triển Công nghệ nhưng chưa nhận được phản hồi.

Công CP Trần Thái Cam Ranh thành lập vào tháng 7/2009, có trụ sở chính tại Khu Du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh, phường Cam Ranh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vốn điều lệ ban đầu ghi nhận 212 tỷ đồng do 3 cổ đông sáng lập là Công ty BĐS Phú An (46%), Công ty Bất động sản Trần Thái (44%) và bà Thái Ngọc Dung (10%). Tuy nhiên, đến năm 2017, cả ba cổ đông sáng lập đều không còn sở hữu cổ phần tại công ty này.

Tại thay đổi gần nhất vào tháng 10/2022 CTCP Trần Thái Cam Ranh đã tăng vốn từ 770 tỷ đồng lên 810 tỷ đồng. Đại diện pháp luật khi này gồm 2 người là Lê Anh Trứ (SN 1978) và bà Hà Thị Phương Thảo (SN 1982). Bà Thảo còn kiêm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty.

Bà Hà Thị Phương Thảo được biết là vợ của “đại gia” Lê Anh Đức (Đức "cá tầm") - ông chủ Công ty CP Cá tầm Việt Nam. Trong hệ sinh thái của ông Lê Anh Đức còn có các công ty bất động sản sở hữu các dự án "khủng" như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Công ty CP Trần Thái Cam Ranh, Công ty CP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh....

Trong đó, Công ty CP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh được biết đến là chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate quy mô 40ha đất và 7ha mặt nước nằm cạnh Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang hiện là chủ đầu tư của các dự án: Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu (Ninh Thuận); condotel Panorama Nha Trang (Khánh Hòa).

Hiện nay cả Công ty CP Trần Thái Cam Ranh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang đều do ông Lê Anh Trứ làm đại diện pháp luật.

Bạn đang xem bài viết Nhà thầu 'khóc ròng' vì tư vấn an toàn lao động cho dự án The Arena, Khánh Hòa tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.