Biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn ra nhanh hơn dự đoán, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và con người.
Theo báo cáo về Tình hình khí hậu toàn cầu năm 2024 của WMO, thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận. Điều này phù hợp với các dự đoán khoa học đã được đưa ra trong hơn 30 năm qua.
Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho hay, điều này các nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu, thế nhưng sự phản ứng của nhân loại vẫn quá chậm chạp.
Theo dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay. Hội nghị COP29 tổ chức tại Baku, Azerbaijan cũng công bố những số liệu đáng lo ngại. Trong đó, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,3°C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan (nhiệt độ nước biển tăng cao, băng tan kỷ lục, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng) đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng.
Tháng 10/2024 ghi nhận mức nhiệt trung bình ở châu Âu đạt 10,83°C (cao hơn 1,23°C so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020). Đây là tháng ấm thứ 5 trong lịch sử khu vực và tháng ấm thứ 2 trên toàn cầu.
Dù lượng khí thải nhà kính tại châu Âu có dấu hiệu giảm, tổng lượng khí thải trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Tại COP29 các chuyên gia khí hậu đã cảnh báo rằng nếu xu hướng này không thay đổi, thế giới sẽ đối mặt với những tác động không thể đảo ngược.
Tình trạng nóng lên toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải hành động khẩn cấp. Các giải pháp như giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tăng cường bảo vệ môi trường cần được triển khai ngay để tránh những hậu quả tồi tệ hơn trong tương lai.
Theo báo cáo Khoảng cách phát thải hàng năm, thế giới sẽ phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới 3,1°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp vào năm 2100 nếu các chính phủ không có hành động mạnh mẽ hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải làm Trái đất nóng lên.
Các chính phủ vào năm 2015 đã ký Thỏa thuận chung Paris và giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C để ngăn chặn một loạt các tác động nguy hiểm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho hay, chúng ta đang chới với trên "sợi dây thừng của hành tinh". Các nhà lãnh đạo hoặc thu hẹp khoảng cách phát thải, hoặc chúng ta sẽ lao vào thảm họa khí hậu.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, lượng khí thải nhà kính toàn cầu đã tăng 1,3%, lên mức cao mới là 57,1 gigaton carbon dioxide tương đương - báo cáo cho biết. Thậm chí nếu tất cả các cam kết cắt giảm khí thải được thực hiện như đã cam kết, nhiệt độ vẫn sẽ tăng từ 2,6°C đến 2,8°C vào năm 2100, báo cáo cho biết. Điều này cũng phù hợp với những phát hiện trong ba năm qua.