Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền Trung Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.
Cơn bão số 4 (bão Noru) được dự báo rất mạnh và nằm trong số những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Trung trong 20 năm qua. Trước diễn biến nhanh và mạnh lên liên tục của bão khi vào biển Đông, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai và chính quyền tại các tỉnh miền Trung đã tích cực gửi thông báo khẩn, cách chủ động ứng phó với lũ và ngập lụt đến Zalo của từng người dân.
Cụ thể, một số tỉnh/thành Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đã thông qua các trang Zalo chính thức “Tổng Đài 1022 Đà Nẵng”, “1022 Quảng Nam”, “Chính quyền điện tỉnh Bình Định”, “Trung tâm HueIOC” và“BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai” để cập nhật liên tục diễn biến của bão Noru, tình hình thời tiết, các khu vực sạt lở, bị ảnh hưởng nặng, công tác triển khai ứng phó cũng như khắc phụ hậu quả sau bão.
Đồng thời, thông qua Zalo, các tỉnh cũng trang bị cho người dân những kiến thức để chủ động ứng phó với lũ như: Gia cố nhà cửa, tàu thuyền; Chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản; Kê cao tài sản, tích trữ lương thực, năng lượng dự phòng, sạc đầy điện thoại; Trang bị áo phao khi di chuyển trong khu vực nước ngập và sẵn sàng sơ tán đến các vùng cao gần nhất trong địa bàn.
Theo thông tin từ Zalo “1022 Quảng Nam”, tỉnh này đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ ngày 26/9 để đảm bảo an toàn cho ngư dân và công tác phòng, chống mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Cũng thông qua nhóm Zalo, Chính quyền huyện Phước Sơn như tương tác nhiều hơn trong việc chỉ đạo điều hành công tác ứng phó với bão Noru.
Tại Thành phố Đà Nẵng, ngư dân được hướng dẫn chuẩn bị biện pháp phòng chống, đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Sở Công Thương Thành phố cũng cho biết đã sẵn sàng các phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp bão Noru đổ bộ. Theo tin gửi từ Zalo “Tổng Đài 1022 Đà Nẵng”, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn hướng dẫn ứng phó, khắc phục hậu quả sau khi bão, lũ qua đi.
Song song, Sở Giáo dục - Đào tạo của các tỉnh/thành cũng khẩn trương gửi thông báo Zalo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học cho toàn thể học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn nghỉ học từ ngày 26/9 để phòng, tránh bão.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão Noru là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão cấp 12-13. Bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4.
Ngoài ra, 4 địa phương có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Kon Tum với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3. Các chuyên gia cho biết khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi được cảnh báo nguy cơ nước dâng 0,8m - 1,2 m. Kịch bản cực đoan, nước có thể dâng tới 1,4m - 1,8 m.